Dấu hiệu khởi sắc

Trong khi đồng Euro vẫn đang trên đà trượt giá, gây ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đã giảm từ 10,4% trong tháng 12 năm ngoái xuống còn 10,3% trong tháng 1/2016, với khoảng 16,65 triệu lao động thất nghiệp, giảm 105.000 người so với 1 tháng trước đó, và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ tháng 1/2015, số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết.

Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Ảnh: Ibtimes

Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2011 và là đợt giảm mới nhất trong một chuỗi sụt giảm vài năm trở lại đây, sau đợt suy thoái dài nhất từ ​​trước đến nay của khu vực. Sự cải thiện trong những tháng gần đây diễn ra trên diện rộng với mức giảm được ghi nhận ở hầu hết các nền kinh tế của Eurozone, trong đó Đức là quốc gia có mức thất nghiệp thấp nhất, chỉ 4,3% - là con số kỷ lục của nền kinh tế mũi nhọn ở khu vực này, kể từ khi nước Đức thống nhất sau thời kỳ chiến tranh lạnh.

Việc tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục từ mức đỉnh điểm 12,2% vào giữa năm 2013 làm dấy lên hy vọng rằng khối đồng tiền chung Euro đang có thể dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhiều năm qua. Yếu tố quan trọng góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này là do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiến hành cắt giảm lãi suất, bơm tiền vào nền kinh tế, có chính sách ngân sách nghiêm ngặt hơn, đồng thời cũng do đồng Euro suy yếu và sự sụt giảm của giá dầu gần đây.

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone năm 2016 được dự báo ở mức 1,7%, thấp hơn so với dự báo 1,8% được đưa ra cách đây 3 tháng. Ở quy mô rộng hơn, tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) dự báo đạt 1,9% năm 2016 và 2,0% vào năm 2017. Chính những yếu tố như giá dầu thấp, các điều kiện tài chính ưu đãi, tỷ giá hối đoái đồng Euro thấp... là những yếu tố có lợi cho tăng trưởng của các nước trong khu vực này.

Còn nhiều trở ngại

Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp này còn quá cao khi vẫn ở mức 2 con số, và gấp hơn 2 lần tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ (4,9%), nhất là ở một số nước như Hy Lạp với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 24,6% và 20,5% ở Tây Ban Nha.

Nhiều số liệu vừa được công bố hồi đầu tuần này cho thấy, khu vực đồng Euro đang rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 2/2016 do chi phí năng lượng thấp, đặc biệt là dầu thô. Giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2015, và nhiều nhà máy trong khu vực đã phải giảm giá với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm qua. Thậm chí ngay ở Đức, giá cả cũng đang sụt giảm, cho thấy lạm phát đang gây nhiều áp lực ở khu vực châu Âu, bất chấp sự sụt giảm của tỷ lệ thất nghiệp. Điều này có thể dẫn đến khả năng ECB sẽ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế trong cuộc họp ở Frankfurt vào ngày 10/3 tới.

Bên cạnh đó, một điều đáng lo ngại khác là liệu việc giảm tỷ lệ thất nghiệp liên tục này có thể đương đầu được với những “cơn gió ngược chiều” trong nền kinh tế toàn cầu và những tác động tiềm ẩn đối với khu vực này hay không?

“Mặc dù việc đồng Euro yếu có thể sẽ hỗ trợ cho việc xuất khẩu của các nước eurozone ra các quốc gia bên ngoài khu vực và giá năng lượng thấp cũng sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho ngành sản xuất ở khối đồng tiền chung, nhưng sự phục hồi của khu vực eurozone sẽ vẫn chịu áp lực từ suy thoái ở Trung Quốc, những căng thẳng địa chính trị vẫn đang tiếp diễn với Nga, và những tác động từ cuộc khủng hoảng người di cư, khi chúng sẽ tiếp tục đặt ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế châu Âu”, chuyên gia kinh tế của Moody – ông Martin Janicko cho biết.

Đồng quan điểm, nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski tại ING-Diba AG ở Frankfurt nói rằng, “giờ đây, bạn có thể thấy tác động của sự hồi phục theo chu kỳ trong khu vực đồng Euro trên thị trường lao động, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

ECB cân nhắc hành động

Theo Ibtimes ngày 1/3, Hội đồng quản trị của ECB cho biết sẽ xem xét và cân nhắc về việc liệu các biện pháp kích thích kinh tế hiện có đã đủ hiệu quả hay chưa. Việc tăng trưởng về giá không đạt được mục tiêu như ngân hàng đề ra khi chỉ ở mức dưới 2% trong 3 năm giữa bối cảnh giá dầu sụt giảm, đang thúc đẩy ngân hàng trung ương phải hành động nhiều hơn và tích cực hơn nữa.

Để khởi động cho một sự hồi sinh trong lạm phát, ECB đã cắt giảm lãi suất huy động đến âm 0,3% và bơm 65 tỷ USD/tháng vào nền kinh tế thông qua việc mua tài sản. Theo dự báo của Ngân hàng trung ương ECB, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng Euro sẽ giảm xuống còn 10,1% vào năm 2017 từ mức trung bình 10,5% trong năm nay.

Bộ trưởng Tài chính từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cam kết chính phủ nước mình sẽ làm nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Nhóm G20 tuyên bố sẽ sử dụng chính sách tài khóa linh hoạt để đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm và sự tự tin cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Sau một cuộc họp 2 ngày ở Thượng Hải vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước đã nhấn mạnh thông điệp rằng, “chính sách tiền tệ đơn lẻ không thể dẫn đến tăng trưởng cân bằng”.

Theo phân tích của tờ USnews, sự sụt giảm niềm tin trong kinh doanh, cùng với sự trở lại của giảm phát trong khối, làm tăng khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ công bố các biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa khi hoạch định các chính sách vào cuối tháng này.

 TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Bloomberg, Ibtimes & USnews)