Biến đối khí hậu có thể khiến thêm 500.000 người thiệt mạng vào năm 2050 do thiếu lương thực. Ảnh: AFP.

Nếu phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục như ở hiện tại thì mức tăng trưởng dự báo đối với thực phẩm sẵn có sẽ bị cắt giảm khoảng 1/2 trước năm 2050, nghiên cứu chỉ rõ.

Tính đến năm 2015, khoảng 800 triệu người trên thế giới đang bị suy dinh dưỡng, đồng nghĩa với việc họ không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn tối thiểu hàng ngày, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết.

Với tình hình dân số toàn cầu có thể sẽ tăng từ 7 tỷ lên đến 9 tỷ người vào năm 2050, sản lượng lương thực theo đó sẽ phải tăng thậm chí còn phải nhanh hơn tốc độ tăng dân số, để tất cả mọi người trên thế giới đều được đủ ăn. Nhưng sự ấm lên toàn cầu hiện nay đang đe dọa sẽ gây nhiều khó khăn và có thể dẫn đến tình trạng bất khả kháng, các chuyên gia cảnh báo.

"Hiệu ứng biến đổi khí hậu dự kiến ​​sẽ làm giảm số lượng thực phẩm thu hoạch, có khả năng dẫn đến giá lương thực cao hơn và giảm mức tiêu thụ", nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet cho biết.

Nghiên cứu trên cũng đồng thời cảnh báo rằng, sự cân bằng trong chế độ ăn ở tương lai có khả năng sẽ xấu đi.

"Kết quả của chúng tôi cho thấy, cho dù lượng thực phẩm chỉ giảm nhẹ cũng có thể dẫn đến những thay đổi về mặt năng lượng và thành phần trong chế độ ăn", Marco Springmann - một nhà nghiên cứu trong chương trình “Tương lai của thực phẩm” tại Đại học Oxford, đồng thời cũng là tác giả chính của nghiên cứu trên cho biết, và nhấn mạnh rằng, "những thay đổi này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người". Đơn cử, tỷ lệ các loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn gần như chắc chắn sẽ suy giảm trong một thế giới phải đương đầu với biến đổi khí hậu, nhà nghiên cứu Springmann nói.

Những nước có thu nhập thấp và trung bình có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 3/4 tất cả các ca tử vong liên quan đến khí hậu dự kiến ​​sẽ xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ, theo kịch bản khí hậu hiện nay.

Thậm chí ngay cả khi các quốc gia trên thế giới thành công trong việc kiếm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C (3,6 độ F), thì vẫn có thêm 150.000 trường hợp tử vong liên quan đến khí hậu do sự thay đổi trong chế độ ăn uống và lượng calo, các nhà nghiên cứu phát hiện.

"Biến đổi khí hậu có thể gây ra tác động tiêu cực rất đáng kể đối với tỷ lệ tử vong trong tương lai, thậm chí theo những kịch bản lạc quan nhất", Springmann nói.

Nghiên cứu sử dụng các mô hình kinh tế nông nghiệp, kết hợp với các dự báo khác nhau về phát thải khí nhà kính và dự báo phát triển để đánh giá những tác động đối với sản xuất lương thực toàn cầu, thương mại và tiêu dùng trong năm 2050.

Các chuyên gia đánh giá cao ý nghĩa của nghiên cứu này, nhưng cảnh báo rằng các dự báo có thể không chắc chắn. Giáo sư Andrew Challinor tại Đại học Leeds ở Anh nhận định rằng "rất khó để ước tính chính xác biến đổi khí hậu sẽ gây ra những tác động gì",  "những biến đổi trong sản xuất lương thực từ năm này sang năm khác sẽ càng lớn hơn, khiến cho thị trường lương thực toàn cầu trở nên không thể đoán trước". Những sự kiện khí hậu cực đoan - như sự thất thu trong mùa lúa mì ở Nga vào năm 2010 - cũng sẽ trở nên phổ biến hơn, Giáo sư Challinor cho biết thêm.

Tố Quyên (lược dịch từ AFP & Btinvest)