Chủ tịch EU Donald Tusk. Ảnh: AFP

Trước đó, ông Donald Tusk đã đến thăm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước “tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II. Trong chuyến thăm, Chủ tịch EU thừa nhận rằng số lượng người di cư đến lãnh thổ EU từ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn "quá cao".

Bên cạnh đó, chuyến công du của ông Donald Tusk cũng nhằm mục tiêu xây dựng nỗ lực trước một hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa các nhà lãnh đạo EU và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/3 tới đây, nơi Brussels hy vọng các bên sẽ đưa ra quyết định cụ thể để làm giảm dòng người di cư và người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh, nghèo đói và khủng bố.

Sau cuộc hội đàm tại Athens với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, ông Donald Tusk khẳng định, việc người di cư kinh tế cố gắng đến Liên minh châu Âu là hoàn toàn vô nghĩa. "Tôi muốn kêu gọi tất cả người di cư kinh tế bất hợp pháp từ bất cứ nơi nào rằng: Đừng đi đến châu Âu. Đừng tin những kẻ buôn lậu. Đừng mạo hiểm cuộc sống và tiền bạc của bạn. Đó là tất cả những cố gắng để không có được gì”, người đứng đầu EU nhấn mạnh.

Sau đó tại Ankara, ông Donald Tusk tìm cách khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ có thêm hành động nhằm cắt giảm mạnh số lượng người tị nạn dùng tàu thuyền vượt qua Aegean để đến các đảo Hy Lạp.

“Chúng tôi đồng ý rằng, dòng người tị nạn vẫn còn quá cao và chúng ta cần có nhiều hành động hơn nữa. Đó là trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc quyết định cách tốt nhất để giảm số lượng này”, ông Donald Tusk nói sau khi gặp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. Ngoài ra, Chủ tịch EU cũng làm nổi bật ý tưởng về một "cơ chế nhanh với quy mô lớn" để trả lại di cư từ Hy Lạp, đồng thời lập luận rằng: "Một cơ chế có hiệu quả sẽ phá vỡ mô hình kinh doanh của các tay buôn lậu”.

Lê Thảo (lược dịch từ AFP & The Guardian)