Muỗi Aedes aegypti truyền virus Zika. Ảnh: Wtea.

Theo báo cáo của WHO, từ ngày 1/1/2007 đến 3/3/2016, có tổng cộng 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận sự lây truyền bản địa (lây truyền tại chỗ do quần thể muỗi trú trong một khu vực đặc biệt bị nhiễm virus và bắt đầu truyền tải nó đến người dân trong vùng), hoặc có dấu hiệu bị lây truyền virus Zika (41 quốc gia/vùng lãnh thổ kể từ 1/1/2015). Ngoài ra, có 3 quốc gia và vùng lãnh thổ đã báo cáo sự lây nhiễm tại địa phương có thể qua đường tình dục.

Báo cáo của WHO cho biết, trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là nước mới nhất ghi nhận sự lây truyền tại chổ của virus Zika. Sự phân bố địa lý của virus Zika đã dần mở rộng, kể từ khi nó được phát hiện đầu tiên ở châu Mỹ vào năm 2015, và đã được tìm thấy ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực này. Virus Zika có thể được lan truyền và phát hiện ở các nước khác trong phạm vi địa lý của loài muỗi vectơ, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti.

Cho đến nay, sự gia tăng các trường hợp đầu nhỏ và dị tật khác ở trẻ sơ sinh chỉ được ghi nhận ở Brazil và Polynesia thuộc Pháp, mặc dù có 2 trường hợp liên quan đã được phát hiện tại Mỹ và Slovenia sau một kỳ nghỉ ở Brazil.

Cũng theo báo cáo nói trên, trong năm 2015 và 2016, có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận sự gia tăng của hội chứng Guillain-Barré (GBS) và / hoặc có xét nghiệm nhiễm virus Zika trong các trường hợp mắc GBS. WHO cho biết thêm răng, một nghiên cứu bệnh chứng mới được công bố gần đây ở Polynesia thuộc Pháp đã cung cấp thêm bằng chứng về mối quan hệ giữa virus Zika và GBS.

Trước tình hình đó, công tác phòng chống và chiến lược kiểm soát toàn cầu được WHO đưa ra bao gồm các hoạt động giám sát, ứng phó và nghiên cứu, đồng thời việc báo cáo tình hình sẽ được tổ chức theo các nhóm. Sau khi bàn thảo, tình hình sẽ tiếp tục được cập nhật vào cuối tháng 3 này để giải quyết trường hợp khẩn cấp hiện nay.

Tố Quyên (lược dịch từ WHO & Sputnik)