Cho tới nay, manh mối duy nhất được xem là tin cậy hơn cả là mảnh vỡ cánh máy bay MH370 dạt vào đảo Reunion của Pháp ở Ấn Độ Dương - Ảnh: Reuters |
Theo CNN, các đội tìm kiếm đã mất gần trọn vẹn hai năm qua để lùng tìm chiếc máy bay MH370 của hàng không Malaysia.
Nhiều tàu thuyền trang bị công nghệ dò tìm kỹ thuật cao đã tầm soát kỹ lưỡng vùng đáy Ấn Độ Dương và không ít máy bay tìm kiếm từ trên trời nhưng tất cả đều chưa thu được kết quả mong đợi.
Hi vọng rồi thất vọng
Tuần này các hi vọng tìm thấy MH370 lại được xới lên khi một du khách người Mỹ tìm thấy mảnh vỡ máy bay ở bờ biển Mozambique.
Mảnh vỡ có vẻ như từ một chiếc Boeing 777, giống với chiếc máy bay MH370 bị mất tích, theo như lời một quan chức Mỹ.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành Joao Abreu của Cơ quan hàng không dân dụng Mozambique cho rằng mảnh vỡ đó có thể thuộc về một máy bay cỡ trung bình khác chứ không phải Boeing 777.
Chính quyền Úc và Malaysia kêu gọi mọi người thận trọng trước khi đưa ra kết luận và mảnh vỡ mới được tìm thấy đang trên đường gửi tới Úc để xác minh thêm.
Cho tới nay, cuộc tìm kiếm gần nhất diễn ra ngày 29-7 năm ngoái khi tìm thấy một mảnh vỡ máy bay dạt vào bờ hòn đảo của Pháp ở Ấn Độ Dương.
Đó là mảnh vỡ từ một chiếc Boeing 777, cùng loại với chiếc máy bay MH370. Tới tháng 9-2015, các nhà điều tra Pháp khẳng định phần cánh vỡ tìm thấy trên đảo Reunion là của chiếc máy bay đã mất tích với 239 người vào tháng 3-2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh.
Phát hiện này khiến người ta hi vọng sẽ sớm tìm thấy phần còn lại của chiếc máy bay, nhưng nhiều tháng trôi qua mà vẫn không có thêm diễn biến đáng kể nào.
Trong lúc các đội tìm kiếm sẽ tiếp tục lại công việc của họ sau một thời gian tạm nghỉ, chúng ta sẽ cùng nhìn lại “một số thứ” đã được tìm thấy trong hai năm qua.
Những con tàu đắm cổ xưa
Tháng 12-2015, một nhóm tìm kiếm đã phát hiện một xác tàu đắm 200 tuổi trong lúc tìm kiếm máy bay MH370.
Thoạt đầu Cơ quan an toàn giao thông Úc cho biết phát hiện một vật thể có vẻ là một xác tàu đắm. Sau đó vào tháng 1, người ta đã điều tàu Havila Harmony dùng thiết bị sonar trên một phương tiện dò tìm tự động dưới nước chụp ảnh vật thể khả nghi này.
Những hình ảnh sau khi phân tích cho thấy xác tàu đắm có thể là một con tàu được đóng từ một loại thép vào đầu thế kỷ 19.
Đây chưa phải xác tàu đắm duy nhất được tìm thấy. Tàu tìm kiếm Fugro Equator cũng đã dò thấy một xác tàu khác mà theo cơ quan chức năng của Úc, khả năng rất lớn cũng từ thế kỷ 19.
Trong bức ảnh chụp xác tàu này ở độ sâu 3.900m, người ta có thể nhìn rõ một mỏ neo cũng như nhiều bộ phận khác của nó.
Nay thấy, mai đã mất
Ngày 24-3-2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ra thông báo khiến gia đình người bị nạn trong chuyến bay MH370 đau đớn khi các dữ liệu thông tin mới cho thấy chiếc máy bay đã rơi ở nam Ấn Độ Dương. Những người tìm kiếm cho rằng họ đã có manh mối để tìm ra máy bay.
Các quan chức Úc nói đã nhìn thấy hai vật thể ở khu vực nam Ấn Độ Dương có thể liên quan tới chuyến bay. Một “vật tròn màu xám hoặc màu xanh lá”, còn vật kia “hình chữ nhật có màu cam”.
Theo một chuyên gia hàng không thì màu xám/xanh lá là màu bên trong máy bay, màu cam và màu vàng sáng là màu của phao trượt khẩn cấp và đồ cứu hộ trong máy bay.
Tuy nhiên tàu hải quân HMAS Success của Úc đã không tìm thấy các vật thể này, ngay cả một máy bay do thám của Mỹ được điều đi cũng không tìm thấy.
Máy bay quân sự của Trung Quốc cũng thông báo về “những vật khả nghi” khác, tuy nhiên 10 máy bay của Úc, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản lùng tìm cũng không thấy.
Theo chính quyền úc, máy bay do thám P-3 Orion của hoàng gia New Zealand tham gia tìm kiếm cũng chỉ thấy toàn rong biển.
Những tiếng “ping”
Ngày 5-4 và 8-4-2014, một lần nữa hi vọng lại dấy lên khi người ta phát hiện những tín hiệu được cho là từ các hộp đen của chiếc máy bay mất tích phát đi ở gần khu vực vệ tinh Inmarsat liên lạc lần cuối cùng với MH370.
Tuy nhiên những tín hiệu “ping” này rốt cuộc cũng lại là manh mối không chính xác khi ngày 28-5, một quan chức hải quân Mỹ cho biết người ta tin rằng những tiếng ping đó không liên quan gì tới chiếc máy bay MH370.
Vùng đáy biển chưa khám phá
Trong lúc các tàu tầm soát hàng ngàn dặm vuông đáy đại dương nghi là điểm rơi của máy bay MH370, các nhà tìm kiếm của Úc đã tìm thấy những núi lửa đã ngừng hoạt động và những rặng núi lớn dưới đáy biển.
Trước cuộc tìm kiếm MH370, độ sâu cũng như bề mặt địa hình đáy biển ở khu vực đại dương này chưa từng được biết đến rộng rãi.
Quá trình tìm kiếm tiếp theo
Theo thông tin mới nhất từ hoạt động tìm kiếm của Trung tâm phối hợp tìm kiếm máy bay bị nạn của Cục An toàn giao thông Úc thông báo ngày 2-3, tới nay hơn 85.000km2 đáy biển đã được rà soát.
Như đã thống nhất vào tháng 4-2015, 120.000km2 đáy biển sẽ phải được tìm kiếm kỹ lưỡng. Ước tính vào khoảng giữa năm nay, công cuộc tầm soát đáy biển này sẽ hoàn tất.
Các tàu Fugro Equator và Havila Harmony vẫn tiếp tục các cuộc tìm kiếm dưới nước khác. Ngày 25-2, tàu Fugro Discovery đã trở lại khu vực tìm kiếm cùng hai tàu này.
Nếu tìm được máy bay, Úc, Malaysia và Trung Quốc đã thống nhất về các kế hoạch công tác trục vớt, bao gồm việc thu thập mọi chứng cứ cần thiết cho quá trình điều tra tai nạn.
Nếu không tìm thấy thông tin mới và tin cậy nào ở khu vực tìm kiếm hiện tại, chính phủ các nước liên quan cũng đồng thuận sẽ không tiếp tục mở rộng việc tìm kiếm nữa.
Theo Tuoitre