Buông câu… xây nhà

Anh bạn tôi - một “cần thủ” thành phố chuyên lấy chuyện đi câu làm vui, bảo rằng: “Đi câu cũng có cái “triết lý thời gian” và cách thức của nó, mà chỉ có ngư dân với nghề đi câu gia truyền mới thông thạo. Thỉnh thoảng, nhóm “cần thủ” thành phố bọn mình cũng phải tìm về nơi miệt Tam Giang, để “lĩnh hội nghề” với mấy ngư dân chuyên nghiệp. Mình gọi họ là những người làm nghề…lặng im”.

Một “cần thủ” chọn vùng nước rặc buông câu

Chuẩn bị cho một ngày…lặng im trên miền sông nước, ngư dân Nguyễn Tuệ (66 tuổi, thôn Mỹ An, xã Phú Dương, huyện Phú Vang), rời nhà từ sáng sớm- mà như lời ông nói “ngửa bàn tay ra chưa thấy gì”, với đủ thứ lỉnh kỉnh ngư cụ.

Con nhà sông nước, nhưng chẳng sinh ra trên miền phá, tuổi thơ của ngư dân Nguyễn Tuệ gắn với con nước trên sông Phổ Lợi cùng những ô đầm ven làng. 20 tuổi, ông Tuệ thông thạo từng con nước, từng cửa sông, ông bắt đầu xuôi thuyền về vùng đầm phá làm nghề, để “vươn ra biển lớn”

Từ nhà, ông men chiếc thuyền nan theo dòng Phổ Lợi, đi vào hói sau làng rồi đến đầm Hạ Đạo ra đầm Chuồn, đầm Sam hay xuôi về đập Thảo Long, nơi con nước giao thoa hai dòng mặn ngọt, có nhiều cá tôm. Mùa đi câu của ông Tuệ thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 (DL), khi nào mưa bão thì nghỉ việc. Cao điểm từ tháng 7 đến tháng 8, trong ô đầm đã thu hoạch, tôm cá sinh sôi đã cho những “cần thủ” một khoản thu nhập khá.

Ông Tuệ được dân câu cá chuyên nghiệp “tôn” làm “sát thủ” câu cá hanh, bởi độ dày dặn trong nghề và cách “đã buông câu là dính cá”. Cá hanh ông Tuệ câu có trọng lượng từ 3 lạng đến 1kg, nhưng giá bán rất cao, khoảng 300 nghìn đồng/kg. Bởi vậy, nói như ông Tuệ, đầu tư chuyên nghiệp kiếm loài cá này cũng không lỗ bao giờ.

Địa điểm ông Tuệ chọn thường là mút chân cầu Thảo Long, điểm giao thoa miền cửa sông- đầm phá. Ông Tuệ chia sẻ: “Đi câu quan trọng nhất là nhìn con nước. Hơn nhau cái chỗ đó. Khi con nước rặc (cạn) bỗng chuyển nước trở lò (chạy vào mạnh) là thời điểm buông câu, bởi dòng nước bề mặt bị xáo động do nước ngoài biển, phá chảy vào, làm thức ăn cuốn theo, nên các loài cá đi tìm kiếm. Thời điểm đó buông câu thì cá heng vô kể”.

Khi biết ra miền đầm phá câu, ông Tuệ chưa bao giờ mua lưỡi, sắm cần. Tất cả những ngư cụ (trừ gấc) ông đều chế tác. Ông Tuệ bảo rằng, mấy chục năm trong nghề câu, chưa bao giờ ông về tay không bởi biết cách chọn con nước, nơi “nhiều loài cá ưa thích”. Dọc các con lạch trên phá bị chắn nò sáo, thường có các “đường vào”, nước lò từ phá chảy vô mạnh thì cá tôm rất nhiều.

Giờ mới biết cái “triết lý thời gian” của nghề “cần thủ”. Nghề đi câu, khi dừng mái chầm, buông câu là ngồi mãi một tư thế như thế cho đến khi cá dính cần câu. Một ngày có khi trôi qua trong chớp mắt. Ông Tuệ triết lý một chút: “Câu cá ngó rứa cũng rèn tính cách con người là tập tính kiên nhẫn, không nóng vội, nóng nảy, cái này ứng dụng vô cuộc sống cũng hay lắm”.

Nhờ cần mẫn với nghề “cần thủ”, bình quân ông Tuệ kiếm vài trăm nghìn đồng; nếu trúng vụ, có khi kiếm được vài triệu đồng/ngày, đó là thu nhập mơ ước của ngư dân. “Tui buông câu là cất nhà đó!”, ông Tuệ cười sảng khoái.

Dị biệt mồi câu

Không có mùa lũ cùng với tình trạng rà điện, đánh bắt hủy diệt đang làm nguồn thủy sản cạn kiệt dần. Để có cá, các ngư dân chuyên nghiệp nghĩ đến việc làm mồi câu phong phú hơn.

Thành quả sau một ngày cần mẫn lao động của ông Tuệ

Điều mà ngư dân- các “cần thủ” vẫn truyền tụng nhau là cách chế tác mồi câu có một không hai của anh Nguyễn Văn Thân (37 tuổi, thôn Mỹ An). Trước đây, để câu cá hanh, cá hồng, phải dùng mồi “quệt”. Anh Thân kể cho chúng tôi nghe cách làm mồi câu khá đặc biệt: “Đó là thứ hỗ hợp giữa đất sét, rêu. Để có mồi câu này là cả một công đoạn làm khá công phu để tạo nên thứ hỗn hợp không tan rã trong nước. Đất sét được xay nhuyễn, loại bỏ hết các tạp chất, rêu được lấy trong ô đầm cũng giã nhuyễn. Hỗn hợp tạo nên chất dính, khi đính vào lưỡi câu không tan, vỡ vụn trên con nước đầm phá”.

Cách làm mồi đặc biệt này đến nay ít người “chế tác” do sự công phu và dày công của nó. Bây giờ thứ mồi thịnh hành nhất mà các “cần thủ” chuyên nghiệp thường làm là hỗn hợp ruốc đặc, trứng và đất sét gọi là “mồi quệt”. Ruốc cùng đất sét sẽ tạo chất kết dính, mồi không bị rã khi câu. Mùi trứng cũng dụ các loài cá đến ăn.

Anh Thân chia sẻ: “Loại mồi này mình đi câu mấy chục năm, lúc nào cũng nhiều cá hanh, hồng. Mồi có đặc điểm là tất cả các loài cá đều ưa thích, chỉ dùng được trong ngày nên mỗi lần làm rất ít. Nếu chọn được con “nước lò” với thứ mồi ni thì lo gì không kiếm được cá bán”.

Cá anh Thân câu thường rời phá khi đầu giờ chiều bán cho kịp phiên chợ nên thường rất tươi. Những cư dân thành phố thích tìm kiếm loài thủy sản nước lợ tươi ngon thường đặt trước cho gia đình anh Thân.

Mấy chục năm trong nghề “cần thủ”, điều làm ông Tuệ nhớ mãi là lần ông “giáp mặt” với cá trặc (cá vược), vốn được ngư dân đầm phá tôn danh là “cọp nước”. Số là, buổi đó tháng 8, ông buông câu ở vùng đập Thảo Long, con cá trặc chừng 10kg dính câu, sau khi nuốt trọn con tôm sống còn giãy dụa, kéo lê luôn chiếc thuyền. Nếu dựt “tức” dây sẽ đứt. Ông Tuệ cứ khua mái chầm theo cá, đến khi vứt cả cần câu mà theo cá. Cuối cùng “cọp nước” cũng đầu hàng số phận.

Bài, ảnh: Hà Nguyên