Khi được mời cụng nâng ly trăm phần trăm ai cũng nhăn mặt, tìm cách giảm độ cao phần trăm để khỏi say, khỏi mất lòng bạn nhậu. Một lần, nhiều lần, vô số lần… nhiều người sợ thất kinh từ những cuộc say bí tỉ. Thế nhưng “rượu thì rượu mà say thì say”. Say rồi tỉnh, tỉnh rồi mới sợ say, nhưng “tỉnh–say” cứ thế được lặp đi lặp lại, lần này qua lần khác, triền miên... Sợ rồi lại quên, mà đã quên rồi thì không còn cảm giác sợ. Vậy là cuộc vui nào cũng có thể “zdô zdô” mà quên mất sợ và cũng quên hết hệ lụy, tác hại từ bia rượu.

Không phải quản lý Nhà nước đã vô tình đưa bia rượu vào danh mục mặt hàng tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao mà chính là để hạn chế sản xuất và tiêu thụ bia rượu nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Con số vui mà đáng buồn khi nước ta mỗi năm sản xuất và tiêu thụ 3,2 tỉ lít bia, xếp vào “hàng ngũ” một số ít quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Lợi nhuận đem lại từ sự sản xuất kinh doanh mặt hàng này đã rõ, nhưng lạm dụng bia rượu quá mức lại là tác nhân hủy hoại sức khỏe con người. Những ai từng uống rượu, uống say bí tỉ chắc sẽ còn nhớ khi đầu óc, sức khỏe sau hai, ba ngày thậm chí lâu hơn còn thấy mệt mỏi, uể oải. Hậu quả lâu dài là “lục phủ ngũ tạng” bị tàn phá, bị gặm nhấm từng ngày, từng ngày…Và “tác dụng” không mong muốn là tuổi thọ bị rút ngắn theo cấp độ của những người lạm dụng bia rượu. Không phải ngẫu nhiên khi các loại thuốc tây, thuốc nam và đông dược lại ghi rõ cảnh báo không được uống rượu khi đã uống thuốc. Thầy thuốc kê đơn cũng không quên nhắc bệnh nhân không được dùng chất kích thích khi điều trị bệnh và khuyên nên hạn chế hoặc bỏ rượu bia.

Một điều đáng bàn, đáng báo động nữa đó là bia rượu vào rồi thì người ta không làm chủ được bản thân mà hậu quả là những hành vi bạo lực. Bạo lực trong gia đình,ngoài xã hội đã diễn ra đau lòng mà tác nhân gây ra xuất phát từ bia rượu. Bố con, anh em, bạn bè… ngồi uống với nhau khi đã quá đà thì xử sự với nhau không còn phép tắc nữa, có khi biến thành bạo lực do say. Hạnh phúc gia đình, vợ chồng con cái chia lìa một phần không nhỏ từ thói nghiện rượu của bố mẹ chúng.

Cảnh báo tai nạn giao thông từ số liệu người chết trong những ngày Tết Bính thân vừa qua có đến 40% trong đó là do bia rượu. Nhiều người “quá chén” gây tai nạn dẫn đến cái chết đã đành, những người lương thiện cũng bị đen đủi lại là điều đáng buồn. Trên đường chúng ta thấy không ít biển cảnh báo: “Đã uống rượu bia không lái xe…”, “Không uống bia rượu khi tham gia giao thông” vv… Nghị định của Chính phủ cũng đã quy định những ai uống bia rượu với nồng độ cồn nhất định sẽ bị xử phạt, nếu nghiêm trọng sẽ bị truy tố. Ấy thế nhưng có bao nhiêu phần trăm để ý chấp hành, bao nhiêu người cứ vui là uống. Uống rồi cứ “vô tư” chạy xe và thế rồi hậu quả không mong muốn. Những người từ nước ngoài về họ đều thấy “ớn” khi thấy người Việt chúng ta quá “vô tư” khi ăn nhậu mà vẫn điều khiển xe máy. Ở nhiều nước, uống và say rượu khi tham gia giao thông bị xử phạt rất nặng, thậm chí có thể bị bắt giam…

Tác hại là vậy, hậu quả thì ai cũng biết nhưng chế tài nào để hạn chế thì còn phải bàn dài dài. Được biết có nhiều địa phương đã đề ra những biện pháp mạnh để hạn chế uống bia rượu, trước hết là trong đội ngũ công chức như: cấm uống vào buổi trưa, chỉ tiếp khách cơm trưa bằng nước khoáng, uống rượu vi phạm giao thông thì bị cắt thi đua, không đề bạt, không quy hoạch vv… Nhưng nói gì chăng nữa thì tự bản thân mỗi người tự thấy được tác hại, hệ lụy từ rượu bia để hạn chế và làm chủ chính mình.

TRƯỜNG ĐÁ