Dạo quanh các kiệt, hẻm tại các tuyến đường trung tâm của thành phố như: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh…, dễ dàng nhận thấy văn minh đô thị, trật tự giao thông đang xuống cấp bởi tình trạng tự ý xây hàng quán, lấn chiếm mặt đường để buôn bán, cơi nới diện tích.

Để xe bừa bộn, một hình ảnh quen thuộc ở nhiều con hẻm

 Ở nhiều con hẻm, người dân còn lấn chiếm khoảng không, lấn đất công để trục lợi. Tình trạng xả rác, nước thải và đổ vật liệu xây dựng ra lối đi chung, bịt cống rãnh thoát nước… diễn ra thường xuyên, không chỉ làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, sức khỏe của người dân mà còn làm mất “tình làng nghĩa xóm”. Thực tế đã có nhiều kiện cáo xảy ra tại các địa phương. Trong kiệt, nhà cửa thòi thụt, lối đi lồi lõm gây mất mỹ quan, phá vỡ quy hoạch đô thị.

Tại các kiệt, hẻm có nhiều cơ sở kinh doanh, giải trí, tình hình cũng không khá hơn. Đơn cử, kiệt 81 Nguyễn Huệ chỉ dài hơn 200m nhưng có đến hơn 30 quán karaoke hay nhiều kiệt ở đường Nguyễn Công Trứ đều dày đặc quán cà phê. Xe của khách để trước quán tràn ra mặt đường làm hẻm đã chật nay còn chật hơn, việc lưu thông rất khó khăn và gây phức tạp trong công tác quản lý đô thị, phòng chống cháy nổ. “Người dân sống ở kiệt này mệt mỏi lắm. Xe cộ để ngang dọc giữa đường làm việc đi lại rất nguy hiểm, tiếng hát karaoke đến giữa đêm ồn ào không chịu được. Lâu lâu lại xảy ra đánh nhau”, ông Võ Văn T., trú ở kiệt 81 đường Nguyễn Huệ (phường Phú Nhuận) cho biết.

Việc kinh doanh diễn ra từ trưa chiều đến tận 24 giờ đêm ồn ào, tạo nguy cơ mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong Nhân dân. Nhiều hộ kinh doanh còn giăng bạt, dựng bảng quảng cáo với đủ màu sắc khiến không gian bát nháo như “chợ trời”. Người dân nhiều lần báo đến cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh ý thức thị dân còn hạn chế thì nguyên nhân khiến các vi phạm đô thị ở nhiều kiệt, hẻm ngày một gia tăng là do sự quản lý không sâu sát, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Cũng từ đây đã xảy ra nhiều tranh chấp về đất đai giữa các hộ dân. Chỉ vì đơn vị chức năng cấp phép xây dựng nhà đất thiếu kiểm tra tình hình thực tế, dẫn đến việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ có sai số, chồng chéo nhau. Tạo nên độ “vênh” giữa giấy tờ và thực tế khiến việc giải quyết tranh chấp khó khăn.

Về xử phạt trật tự đô thị, dù chính quyền các địa phương có những nỗ lực để thực thi nhưng “như muối bỏ bể”. Ông Lương Vầy, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phú cho biết, địa phương vẫn luôn theo dõi để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đô thị. Tuy nhiên, đó là ở những trục đường lớn, trung tâm. Các kiệt hẻm, lực lượng của phường còn “mỏng” nên không thể túc trực 24/24 xử lý. Hơn nữa, việc vãn hồi trật tự đô thị - giao thông trong các kiệt, hẻm chưa được các cấp ngành quan tâm đúng mức nên để thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trước mắt phường chỉ khuyên các hộ dân không đậu đỗ xe trái quy định, không xả rác bừa bãi, không lấn chiếm đất chung…

Nhiều năm qua, TP Huế dành nhiều nguồn lực đầu tư đồng bộ cho hệ thống kiệt, hẻm nhưng dường như vẫn thiếu một dự án quy hoạch chi tiết để quản lý, chỉnh trang. Việc ổn định trật tự giao thông, đô thị - xây dựng trong kiệt, hẻm là một trong những tiêu chí quan trọng trong quy hoạch kiến trúc, nhằm tạo điểm nhấn về phát triển đô thị, tạo mỹ quan nhằm hướng tới xây dựng thành phố văn minh và hiện đại. Với những tồn tại hiện hữu, rất cần sự đồng thuận từ các cấp ngành chức năng, chính quyền địa phương cho đến từng người dân.

Bài, ảnh: Thái Hùng