Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật Thủy sản-TTKNLN cho biết, cua xanh là một trong những đối tượng được bà con ngư dân đưa vào nuôi xen ghép. Tuy nhiên, nguồn giống chủ yếu gom từ tự nhiên, thiếu chủ động nên không đảm bảo về chất lượng và số lượng. Gần đây, con giống được sinh sản nhân tạo, nhưng người dân chủ yếu sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cua thương phẩm, phụ thuộc nhiều vào khai thác tự nhiên. Vào lúc thời tiết bất lợi, thức ăn khan hiếm nên chi phí đầu vào trong quá trình nuôi tăng cao.

Kiểm tra cua biển sau thu hoạch   

Trước tình hình trên, TTKNLN triển khai mô hình “Nuôi cua biển thương phẩm từ nguồn giống sinh sản nhân tạo bằng thức ăn công nghiệp” tại 4 xã: Phú Mỹ (Phú Vang), Vinh Hưng (Phú Lộc), Hải Dương (thị xã Hương Trà) và Quảng An (Quảng Điền). Ông Trần Thìn ở xã Phú Mỹ rất phấn khởi khi được chính quyền địa phương chọn tham gia mô hình với 0,3 ha. Ông Thìn thả nuôi 18 ngàn con, tỷ lệ sống gần 50%. “Mới bắt tay vào nuôi, rất lúng túng. Nhưng được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, kỹ sư nên tôi nhanh chóng nắm bắt các quy trình kỹ thuật nuôi. Sau khi thu hoạch, mang lại hiệu quả mới thấy việc ứng dụng mô hình nuôi cua xanh bằng thức ăn công nghiệp, giống nhân tạo  chẳng có gì phức tạp”, ông Thìn chia sẻ.

Cũng như ông Thìn, bình quân mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ nuôi 0,3 ha, thả nuôi 18 ngàn con giống. Ông Nguyễn Tạo ở xã Quảng An không giấu niềm vui khi mô hình thu lãi gần 50 triệu đồng chỉ sau khoảng 6-7 tháng nuôi. Ông Tạo cho hay, mô hình nuôi cua biển bằng thức ăn công nghiệp, người dân hoàn toàn chủ động nguồn thức ăn, cua nhanh lớn, rút ngắn thời gian sinh trưởng nên chi phí nuôi giảm, đạt hiệu quả cao hơn…  Mỗi mô hình 0,3 ha cho lãi từ 50-60 triệu đồng, như vậy bình quân mỗi ha lãi từ 200-240 triệu đồng.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Giang thông tin, mô hình nuôi cua biển từ nguồn giống sinh sản nhân tạo bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất bình quân 2,2 tấn/ha (so với yêu cầu 2,25 tấn/ha), tỷ lệ sống đạt 50,3% (so với yêu cầu 50%). Các hộ hưởng lợi đã tuân thủ theo sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chỉ đạo mô hình. Do ảnh hưởng đợt nắng nóng kéo dài (tháng 5 và 6) nên tốc độ phát triển của cua nuôi chưa được tốt, trọng lượng thu hoạch không đạt so với yêu cầu, trung bình cua thương phẩm đạt 295g/con (so với yêu cầu 300g/con). Tuy nhiên, các hộ nuôi đều có lãi cao; góp phần đa dạng hóa mô hình, hình thức nuôi và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn - người hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, thông tin, trong quá trình nuôi cua biển chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp; từ tháng thứ 3 trở đi kết hợp cho thêm thức ăn bằng cá tạp hai lần/tuần. Qua theo dõi, cho thấy sử thức ăn công nghiệp giai đoạn đầu (sau một tháng) cua phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, ước đạt 71%; trong khi cho ăn cá tạp cua chậm lớn, tỷ lệ sống chưa đầy 50%. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp còn chủ động trong tìm kiếm thức ăn, giảm áp lực đối với việc khai thác nguồn cá nhỏ trong tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm đáy ao, giữ được môi trường ao sạch, góp phần hướng đến mô hình nuôi bền vững.

Theo TTKNLN, để phát triển mô hình nuôi cua biển thương phẩm, các ban ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc đầu tư sản xuất, quản lý nguồn giống nhân tạo đảm bảo chất lượng, số lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất. Các địa phương cần chú trọng công tác quy hoạch vùng nuôi hợp lý; đầu tư hệ thống đê bao, thủy lợi phục vụ, hỗ trợ cho người dân có điều kiện sản xuất…

Bài, ảnh: Hoàng Triều