Gian truân

Hẹn mãi, cuối cùng mới gặp được ông sau những chuyến “thăm rừng” dài ngày, cùng công nhân quán xuyến công việc trên đèo La Hy. Là một trong những nhân vật có “máu mặt” thuộc tốp “ông chủ lớn” của đất rừng Phú Lộc, với ông, để có một cơ ngơi đất rừng keo tràm bạt ngàn như hiện nay là cả một hành trình gian nan.

Ông Tâm (bìa trái) nói về chặng đường trồng rừng của mình

Ông Tâm kể: “Hồi những năm 90, tui làm nghề lái xe tải chở mây, vật liệu thường xuyên đi qua khu vực Lò Than (gần chân đèo La Hy), thấy đất đai hoang hóa, lau sậy um tùm. Chợt nghĩ ở chốn đồi núi rừng đất tốt mà bỏ hoang thì tiếc. Tui về bàn gia đình lên xin lại đất của bà con để trồng rừng”.

Vùng đất gần chân đèo La Hy trước đây vốn có người dân Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, Phú Lộc) lên khai hoang trồng thuốc lá, chỉ được vài vụ rồi bỏ hoang. Ông Tâm gùi cơm nước lên vùng đèo La Hy làm “công tác tư tưởng” với người dân nơi đây. Ông bảo: “Biết đất chưa có chủ nhưng họ tới canh tác trước, họ không sản xuất nữa nên mình xin hỗ trợ mỗi bao phân (giá thời đó 50 nghìn đồng), khi nào mình trồng rừng thu hoạch xong lại trả. Đất bỏ không, bà con ai cũng vui vẻ nhận lời”.

Vốn có chiếc xe tải, ông Tâm bắt tay mở đường, thuê nhân công, gùi giống cây bạc hà lên trồng. Hồi đó chi phí lao động chỉ 10-15 nghìn đồng/ngày, tính ra mỗi ha bạc hà, tổng mức đầu tư khoảng 1 triệu đồng. Cây bạc hà không hợp thổ nhưỡng, mùa mưa thì bị nấm bệnh, chết nửa cây, mùa xuân lại đâm chồi lên lại. Gần 100 ha bạc hà, mấy năm sau thu hoạch, chưa có điểm tiêu thụ ở địa phương, ông Tâm mang vào cảng Đà Nẵng nhập cho các doanh nghiệp, bị ép giá nên chưa thu hồi được phần nửa tiền đầu tư. Ông Tâm tâm sự: “Đợt đó, nản quá mình định bán tống bán tháo rừng hết, về nhà làm nghề lái xe tải kiếm ăn. Trồng rừng hồi đó cũng gian nan lắm”.

Trồng rừng “xuyên” huyện

Sau thất bại với cây bạch đàn, ông Tâm tiếp tục gùi giống cây mới lên với vùng đèo. Hành trình mấy chục năm trồng rừng, ông Tâm nhận ra rằng cây keo lai, keo tai tượng có thể giúp ông đổi đời. Ngoài những diện tích có được, ông xin chính quyền địa phương tiếp tục khai hoang sang cả vùng đất giáp ranh xã Hương Phú (Nam Đông) và Xuân Lộc (Phú Lộc). Vừa khai hoang, vừa mở đường, đưa giống cây mới vào trồng.

Ông Tâm nhớ lại: “Hồi đó mỗi cây giống chỉ xấp xỉ 1 nghìn đồng, nhân công lại dồi dào nên tui thuê mười mấy người lên phát đốt thực bì bắt đầu ươm giống cây đầu tiên. Đường đi chưa có, máy móc không lên được nên hầu hết mọi công việc đều làm bằng tay”.

Đất không phụ lòng người, sau bao năm “cày cuốc”, giờ đây, ông Tâm có trong tay 150 ha rừng keo, 15 ha cao su và 10 ha trầm dó. Ông nhẩm tính: “Tui trồng rừng liên tục từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm là xử lý thực bì, trồng mới rừng, còn từ tháng 6 trở đi là mùa thu hoạch rừng. Chừng đó diện tích, tui thu “cuốn chiếu” một năm bình quân từ 25-30 ha, rồi tiếp tục trồng trở lại trên diện tích mình vừa khai thác. Một ha sau 6 năm trồng, cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng. Tính ra mỗi năm, trừ chi phí tất tật, tui lãi được chừng 1-1,2 tỷ đồng”.

Những diện tích ông trồng, dần được chính quyền tạo điều kiện cấp GCNQSDD. Ông Tâm tiếp tục đưa nhiều giống cây mới như keo hom, keo hạt (mỗi cân giá 10 triệu đồng) vào trồng để nâng cao chất lượng gỗ nguyên liệu. Đặc biệt, sau khi tuyến đường tránh Nam Đông được mở, đi qua khu rẫy nhà ông chừng 4km, nên ông cùng nhiều hộ dân rất thuận lợi trong việc thu hoạch rừng.

Ông Tâm tâm sự: “Nhớ lại hồi đó, sau “vụ cây bạch đàn chết”, ai cũng bảo mình điên, khi đem cả trăm triệu bạc lên đổ trên đồi. Nhiều người nói mình cũng “chờn” tay. Nhưng mà nghĩ lại, mình không phụ đất thì đất chẳng phụ mình bao giờ”.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng rừng, ông bảo: “Nhiều hộ trồng rừng rất dày, 1 ha lên đến 4-5 nghìn cây, làm cho nhánh dưới bị chết, cây bị xốp. Tui chỉ trồng 2.500 cây. Gỗ nguyên liệu của tui đạt chất lượng, cây chắc, có diện tích đạt 120-130 triệu đồng/ha. Thà mình bán gỗ chất lượng, giá cao sẽ có lợi hơn trồng dày, tốn giống, nhiều công nhưng gỗ không đạt”.

Cùng lâm dân làm giàu

Để quản lý diện tích trên 170 ha rừng keo, cao su và dó trầm, trong khu trại ông Tâm ở xã Xuân Lộc, luôn thường trực từ 5-7 lao động; vào vụ cao điểm trồng, thu hoạch rừng có khoảng 20 lao động. Ông Tâm đầu tư khu trại quy mô có đầy đủ hệ thống điện, nước giúp công nhân yên tâm làm việc. Những lao động làm lâu năm ở đây như các anh Hoàng Văn Tiến, Hoàng Văn Thảo đều được ông Tâm cho đất trồng rừng, cung cấp cây giống và cho đất để canh tác hoa màu... “Có công nhân mới có mình hôm nay. Làm tốt thì anh em đều được hưởng. Một ha 1 sắn trong khu trại, mỗi năm thu 15 triệu đồng. Tui đều chia đều cho công nhân hết. Có quyền lợi thì họ có trách nhiệm”, ông Tâm trải lòng.

Anh Hoàng Văn Thảo, một lao động tâm sự: “Mình vào làm thuê ở đây với hai bàn tay trắng, để vợ con ở nhà. Hai anh em (cùng anh Hoàng Văn Tiến- NV) được chú Tâm thương, nhượng cho 3 ha rừng keo, cung cấp cây giống, đảm bảo đầu ra. Mỗi năm từ 3 ha rừng và hoa màu trồng quanh khu trại, hai anh em cũng có thu nhập ổn định, không còn lang bạt làm thuê như trước nữa”.

Để nâng cao chất lượng gỗ nguyên liệu trên cây keo, ông Tâm còn đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục đăng ký tham gia trồng 50 ha rừng theo chứng chỉ FSC (rừng đạt chuẩn quốc tế do Hội đồng quản trị Rừng thế giới cấp).

Bài, ảnh: Hà Nguyên