Nông dân “tự bơi”

Hiện nay, trên địa bàn các huyện như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và TP. Huế đã hình thành các trang trại, cơ sở sản xuất, một số doanh nghiệp “bắt tay” sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap và đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Tuy vậy, người sản xuất còn gặp không ít khó khăn.

Giống lúa hữu cơ - Huế Số 1 tại cánh đồng xã Thủy Vân (TX Hương Thủy)

Bà Trần Thị Mỹ Lệ (thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), chủ gia trại chăn nuôi lợn sạch, cho biết: “Mấy chục năm mình chăn nuôi, từ mô mình gia trại nhỏ lẻ, đến nay, tuy không phủ định tất cả nhưng thành công chủ yếu dựa vào uy tín. Sản phẩm lợn sạch mình đưa ra, được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, cung cấp cho thương lái bán ở các chợ lớn trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, sản phẩm chưa có thương hiệu, người tiêu dùng cũng “tự nhận biết lấy”.

Gia trại bà Lệ có diện tích 4.000m2 nuôi gần 1.000 lợn nái và lợn thịt theo mô hình khép kín, làm hầm bioga tránh ô nhiễm. Mỗi năm trang trại nuôi 12 lứa, xuất 2.400 con lợn sạch. Ngoài mở trang trại, bán thức ăn gia súc, bà Lệ còn cung cấp vốn, vật tư, thức ăn giúp hơn 10 chủ gia trại tại huyện Quảng Điền chăn nuôi theo mô hình lợn sạch.

Tại HTX Quảng Thọ 2- đơn vị sản xuất rau má theo mô hình VietGap, đã có sản phẩm trà rau má đưa ra thị trường. Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX cho hay: “Trà rau má đóng gói, hộp bước đầu đã có thương hiệu, sản phẩm đã có mặt 20 điểm bán lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh”. Tuy nhiên, theo ông Trí, hiện HTX có 47 ha rau má của 244 hộ dân trồng, trong đó có 40 ha sản xuất theo quy trình VietGap, đến nay HTX chỉ mới thu mua được 20% sản lượng. Số còn lại, bà con chủ yếu bán bên ngoài, cũng giống như các sản phẩm rau bình thường khác nên giá không cao. Trong năm 2015, tổng doanh thu từ rau má của HTX gần 1 tỷ đồng, trong đó, trà rau má chỉ chiếm 30%. Cũng theo ông Trí, để mở rộng thị trường, trong năm nay, HTX đang tiến hành xây dựng mô hình sản xuất rau má hữu cơ với diện tích 3 ha.

Với cơ sở thu mua rau an toàn Hóa Châu, vướng mắc trong nguồn vốn, các loại thuế… khiến cơ sở gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Định, chủ cơ sở cho rằng: “Tuy đóng trên địa bàn có nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, nhưng tính ra rau mình sản xuất chịu nhiều các loại thuế làm giá thành cao lên, sức cạnh tranh kém. Muốn ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới vào sản xuất thì từ cơ sở chế biến đến người nông dân đều thiếu vốn”. Do vậy, theo ông Định, UBND tỉnh, các ban ngành cần hỗ trợ để đưa cây rau đến tận tay doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân sản xuất, khắc phục thời tiết, sâu bệnh. Đồng thời, có các chính sách giúp các chủ cơ sở thu mua vay vốn lãi suất thấp, dài hạn.

Với các đơn vị như Công ty CP Canh nông hữu cơ Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm đã đưa ra các sản phẩm như gạo, trà hữu cơ, gạo ngọc trai…Tuy nhiên, đến nay đầu ra các sản phẩm vẫn nhỏ giọt; chủ yếu hướng đến một bộ phận người tiêu dùng cao cấp, xuất khẩu gặp khó khăn.

Liên kết, hỗ trợ sản xuất

Là một trong những đơn vị đầu tư khá sớm và nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi nông sản hữu cơ trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho hay: “Phải lựa chọn doanh nghiệp nào đó đích thực đầu tư bài bản, liên kết với nông dân. Doanh nghiệp đứng ra làm với sự hỗ trợ của Nhà nước. Cần có chính sách hỗ trợ nông dân để nông dân được liên kết, đi lên cùng doanh nghiệp”.

Ông Lam cũng kiến nghị, muốn có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ địa phương phải làm cầu nối, cán bộ nông nghiệp phải “xắn tay” lên cùng với doanh nghiệp, nông dân để làm. Nhà nước hỗ trợ nông dân thông qua các chương trình, dự án là điều đáng mừng, nhưng hỗ trợ như thế nào đó cho bài bản, hiệu quả và nông dân sản xuất xây dựng được thương hiệu của mình.

Hình thành chuỗi cung ứng an toàn, tiêu thụ nông sản sạch

“Để đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững cho người nông dân, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần một tổ chức, đơn vị đứng ra thu mua được các sản phẩm nông sản sạch từ người nông dân và tổ chức hình thành ra chuỗi cửa hàng đảm bảo bán các nông sản sạch, người tiêu dùng biết địa chỉ tin cậy đó. Từ đây, hệ thống các khách sạn, nhà hàng, siêu thị đưa sản phẩm nông sản sạch vào gắn với thương hiệu của họ. Ai tham gia vào trong chuỗi cửa hàng này đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, duy trì công tác kiểm tra, kiểm định”

Ông  Nguyễn Mậu Chi, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nhận định

Ông Lam kể, ở Đà Nẵng, ban đầu đơn vị làm 20 ha lúa hữu cơ, sau đó phát triển lên 50 ha là nhờ TP này trợ giá cho nông dân đẩy nhanh tiến trình mở rộng diện tích. Thời gian tới, công ty sẽ đưa siêu thị nông sản hữu cơ tại TP. Huế vào hoạt động. Cửa hàng sẽ thu hút và tiêu thụ nhiều nông sản sạch của nông dân.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho rằng: “Với những cơ sở, hộ nông dân sản xuất nông sản sạch trên địa bàn, chính quyền luôn tạo điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn vay, chuyển giao kỹ thuật. Địa phương sẵn sàng làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc kết nối với những nông dân có điều kiện, quỹ đất, kinh nghiệm sản xuất những nông sản đáp ứng được nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp về địa bàn đầu tư, địa phương cũng mong muốn doanh nghiệp hướng dẫn bà con sản xuất đáp ứng từng loại hình sản phẩm và cung ứng, chuyển giao các dịch vụ như giống, phân bón, kỹ thuật canh tác”.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, hiện nay, phải làm sao khi thông qua kênh tiêu thụ nông sản sạch, người sản xuất phải có hiệu quả kinh tế cao hơn. Xu hướng hiện nay là phải hình thành nên chuỗi cung ứng sản xuất nông sản sạch cho người nông dân với sự liên kết của các doanh nghiệp. Trước mắt, sẽ hình thành các quầy bán nông sản nhỏ, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Ông Vang đưa ra ví dụ, như ở Quảng Ngãi, UBND tỉnh này vừa phê duyệt một dự án làm 50 ha sản phẩm rau sạch do một doanh nghiệp đứng ra chủ trì và hình thành một hệ thống chuỗi sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm. Hoặc như TP. Hà Nội, khai trương cửa hàng tiêu thụ nông sản giao cho trung tâm xúc tiến thương mại của Cục QLCLNLTS chủ trì, nhưng đầu tư vào đó chủ yếu là doanh nghiệp.

“Để tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân phải thông qua sự “kết hợp” của cơ sở sản xuất, tổ chức phân phối (doanh nghiệp, HTX), đưa sản phẩm đến cửa hàng tiêu thụ. Chuỗi liên kết sẽ có nhiều thành phần tham gia, có thể do một doanh nghiệp đảm nhận hết các khâu hoặc do doanh nghiệp đầu tư hệ thống tiêu thụ, hệ thống cửa hàng và sau đó liên kết cơ sở sản xuất”, ông Vang nói.

Ông Vang cũng cho rằng, đối với trong tỉnh, Sở NN & PTNT chịu trách nhiệm về mặt tổ chức sản xuất, đảm bảo nông sản sạch. Nhưng để đảm bảo đầu ra cho nông dân thì phải có doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng trong đó có một phần hỗ trợ của Nhà nước về các chính sách như giá thuê đất, thuế và đầu tư hạ tầng. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm sạch, người tiêu dùng có điểm đến mua. Hiện nay, sở đang vận động các trang trại, gia trại tham quan, học tập các đơn vị phía Bắc chăn nuôi hữu cơ, thậm chí chăn nuôi sử dụng thức ăn sạch như dùng cây dược liệu, hướng đến thị trường tiêu thụ cao cấp.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN - HẢI TRIỀU