Biểu diễn cho du khách nước ngoài xem
Đam mê
Biết tôi có ý tìm hiểu về bộ môn có phần lạ lẫm với công chúng ở Huế này, Bùi Hữu Thiện (sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Công nghiệp Huế) liền cho tôi một cái hẹn tại buổi “offline” của nhóm bạn trẻ đam mê ảo thuật đường phố. Hàng tuần, nhóm bạn trẻ này lại có một buổi “offline” chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Võ Quốc Anh (24 tuổi), người có thâm niên 7 năm ảo thuật đường phố bảo rằng, ảo thuật đường phố không cần cầu kì, phức tạp như ảo thuật sân khấu, chỉ cần sự khéo léo của đôi tay cộng với cái duyên bắt chuyện là đã mang đến bất ngờ thú vị cho người xem.
Quốc Anh đến với bộ môn này xuất phát từ những lần mê mẩn clip ảo thuật trên internet. Để rồi, anh tự mày mò, tìm hiểu mà chẳng tầm sư học đạo. “Street magic không cần nhiều dụng cụ biểu diễn. Chỉ một bộ bài tây, đồng xu hay chiếc nhẫn là có thể tạo được tiết mục hấp dẫn khán giả. Tuy đạo cụ đơn giản nhưng tụi em phải tiết kiệm tiền mới có thể mua được bởi lẽ đạo cụ dùng cho ảo thuật rất đắt tiền. Như bộ bài tây giá thấp nhất đã là 200.000 đồng. Đạo cụ thường nhập từ Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thậm chí đặt hàng ở Mỹ”, Quốc Anh nói.
Đến với môn nghệ thuật này, nhiều bạn trẻ không chỉ thỏa đam mê mà còn trang bị cho mình thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đặc biệt là kĩ năng giao tiếp và vốn ngoại ngữ được nâng lên từng ngày. Ngô Quý Nhân, chàng sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ ngoài giờ học thường luyện thêm các tiết mục ảo thuật để đến những địa điểm có nhiều khách du lịch nước ngoài biểu diễn, vừa thỏa mãn đam mê, vừa nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, Nhân chia sẻ: “Sau nhiều lần biểu diễn trên đường phố bây giờ có nhiều bạn thông thạo tiếng Anh. Nhóm tầm hơn 20 người nhưng 50% thành viên giao tiếp được bằng tiếng Anh”.
Niềm vui từ những nụ cười
Chẳng vụ lợi, những “nghệ sĩ” ảo thuật đường phố tung hứng ngay bất cứ nơi đâu để mang lại sự bất ngờ, cho người xem. Sân khấu của họ là vỉa hè, lề đường hay bất cứ nơi đâu có người qua lại.
Quốc Anh dẫn tôi đến mục sở thị một tiết mục biến hóa các lá bài bình thường thành cùng một màu sắc cho chị Nita (một du khách đến từ Ấn Độ) xem. Điều làm tôi ấn tượng đầu tiên là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của Quốc Anh hết sức lưu loát; khả năng ứng biến, tạo ra tình huống và sự cuốn hút của Quốc Anh khiến không ít lần chị Nita phải thốt lên “oh my god!”. “Tôi bất ngờ vì ở Huế lại có những bạn trẻ là ảo thuật gia đường phố”, chị Nita chia sẻ sau khi xem Quốc Anh biểu diễn.
Mang lại niềm vui cho mọi người là mục đích cuối cùng của nhóm bạn trẻ này. Tụi em biểu diễn hoàn toàn miễn phí, không nhận tiền của khán giả. Có nhiều lần biểu diễn cho khách du lịch xem, họ cho tiền nhưng tụi em nhất quyết không nhận”, Bùi Hữu Thiện bày tỏ.
Không chỉ trên đường phố, nhóm bạn trẻ đam mê ảo thuật này còn nhiều lần đến các trường học, trung tâm bảo trợ trẻ em, mang lại tiếng cười cho các em học sinh. “Khó có thể kể hết những nơi mà tụi em đến để “mua vui” cho trẻ em, học sinh, như Trung tâm Bảo trợ trẻ em phường An Tây, Trường THCS Phan Chu Trinh… Ngoài ra, vào các dịp lễ Tết, nhóm em còn kết hợp với các trường đại học, cao đẳng biểu diễn miễn phí cho các sinh viên xem”, Trần Xuân Linh (19 tuổi, Thủy Dương, Hương Thủy), thành viên trong nhóm chia sẻ.
Những chuyến biểu diễn tại các trường học, trung tâm để lại cho họ không ít những kỷ niệm. “Có lần em về Phú Vang biểu diễn cho 1 lớp học dành cho trẻ em nghèo. Khi em giao lưu biểu diễn xong khoảng 4 giờ chiều, chương trình cũng kết thúc. Em lên xe về nhưng các em xúm lại không cho về, bảo em ở lại dạy ảo thuật. Thấy các em dễ thương nên em ở lại biểu diễn và dạy cho các em ảo thuật mà quên cả giờ về”, Bùi Hữu Thiện bộc bạch.
Bài, ảnh: LÊ THỌ