Cơ phó Lubitz từng được khuyến cáo vào bệnh viện tâm thần điều trị. (Ảnh: RT) |
Theo đó, 2 tuần trước khi xảy ra vụ việc phi công người Đức Andreas Lubitz đâm chiếc máy bay vào dãy núi Alps hồi năm ngoái làm 150 người thiệt mạng, một bác sỹ điều trị cho anh ta khuyến cáo rằng, Lubitz nên điều trị trong bệnh viện tâm thần.
Vị bác sỹ giấu tên này là một trong số những bác sỹ mà Andreas Lubitz đã tham vấn khi anh ta đang phải vật lộn với các triệu trứng trầm cảm từ tháng 12/2014.
Cơ quan điều tra tai nạn của Pháp (BEA) cho rằng, trong báo cáo cuối cùng, cả Lubitz và bác sỹ của anh ta đều không cảnh báo giới chức hãng hàng không Germanwings về tình trạng bệnh của Lubitz. Bệnh của Lubitz có thể đã kéo dài đến ngày xảy ra vụ đâm máy bay.
Cơ quan này đã thúc giục Tổ chức Y tế Thế giới và Ủy ban châu Âu đưa ra các quy định rõ ràng buộc các bác sỹ phải thông tin cho lãnh đạo nơi bệnh nhân làm việc về tình hình sức khỏe nếu tình trạng bệnh tật có ảnh hưởng đến an toàn công cộng, dù người bệnh không đồng ý.
Người đứng đầu nhóm điều tra của Cơ quan điều tra tai nạn của Pháp Arnaud Desjardin cho biết: “Đó là lý do tôi nghĩ cần có các quy định rõ ràng, cụ thể về việc yêu cầu các bác sỹ phải thông báo về bệnh án của các phi công để đảm bảo an ninh công cộng dù nó phá vỡ bí mật về quyền riêng tư của người bệnh. Cơ quan điều tra tai nạn Pháp cũng khuyến cáo cần phải thiết lập cơ chế giám sát đặc biệt đối với các phi công có tiền sử trầm cảm hay các bệnh rối loạn tâm lý và đẩy mạnh việc sắp xếp người hỗ trợ thay thế trên máy bay”.
Theo các nhà điều tra, viên phi công phụ 27 Lubitz có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, đã tự khóa mình trong buồng lái và cố tình đâm chiếc máy bay vào dãy núi Alps ngày 24/3/2014 khiến toàn bộ số người trên máy bay thiệt mạng./.
Theo VOV