Đầu dây kia, một người đàn ông giọng bắc trang trọng lên tiếng: Tổng đài VNPT đây... Tôi tỏ vẻ thắc mắc về thông tin vừa mới nhận được. Người đàn ông này ra vẻ quan tâm chăm sóc, hỏi đi hỏi lại nội dung còn có thêm gì không? Nghe cái giọng câu độ bực không nén được, tôi buột miệng:

- Ông ở tổng đài VNPT nào thế?

- VNPT Thừa Thiên Huế.

- Thế à? Vậy tổng đài đóng ở địa chỉ nào?

Đầu dây kia bắt đầu cà lăm. Tôi điên tiết làm cho một mách và dọa sẽ nhờ công an “rà đài” tóm cổ. Vậy là bế mạc.

Xin nói thêm, đó không phải là lần đầu tiên tôi được nhận tin đòi nợ cắc cớ như thế. Trước đó đã gọi một số lần. Đầu tiên, cũng ngỡ là bộ phận hành chính cơ quan có tắc trách gì, tôi thông báo để anh em kiểm tra. Hành chính khẳng định không hề nợ một cắc. Sau mấy bữa, điện thoại ở nhà cũng bị đòi nợ, bị doạ cắt, nhiều người khác cũng kể họ cũng đã đôi lần bị tương tự như vậy, lúc đó mới hiểu là bọn bất lương bày trò lừa đảo. Chúng cứ gọi như thế, vài chục, thậm chí là cả trăm cuộc, chỉ cần một cuộc cả tin mà dính bẫy là chúng cũng đủ lãi. Hoặc ngoài lừa tiền, chúng còn mục đích gì khác nữa, lừa cái gì khác nữa cũng chưa biết chừng.

Có lẽ, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, cơ quan hữu trách của công an và các doanh nghiệp viễn thông cần phối hợp, thiết lập, thông báo rộng rãi các đường dây nóng và vận động người dân hễ gặp những trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo là lập tức gọi báo để kiểm tra, xử lý nghiêm. Với công nghệ, với trình độ hiện nay, thiết nghĩ, việc lần ra số điện thoại, “trụ sở tổng đài” lừa đảo là không khó lắm. Phải có những hành động mạnh mẽ để bảo vệ người dân, triệt đường làm ăn của bọn bất lương, cũng là để bảo vệ sự yên bình cho xã hội, sự nghiêm minh của luật pháp.

Hàn Yên