Chậm một ly, đi một chặng…

 Hói Phổ Lợi đoạn từ thôn Phú Khê đến ngã ba chợ Nọ có chiều dài khoảng 1 km, đoạn từ thôn Thạch Căn đến gần cầu Diên Trường dài khoảng 4 km thuộc xã Phú Dương bị bèo lục bình phủ dày kín. Ngoài những tác hại chung từ loại cây này như ô nhiễm nguồn nước, tắc nghẽn giao thông đường thủy, một số loại thủy sản bị triệt vì không đủ oxy…, nó còn ảnh hưởng đến mỹ quan khi du khách đến các điểm tham quan, nghỉ mát ở khu du lịch Thuận An. Năm 2015, UBND xã Phú Dương tiến hành huy động toàn dân vớt bèo 2 đợt vào tháng 4 và tháng 6 hàng năm. Do đặc tính của bèo sinh sản rất nhanh, dù địa phương tập trung nhân lực và kinh phí tổ chức vớt bèo, song lượng bèo quá lớn, sức người không thể kham nổi khối lượng công việc khổng lồ. Thêm vào đó, năm 2015, Thừa Thiên Huế lại không có lũ, cống Diên Trường không mở nên bèo càng bị dồn ứ.

Thảm bèo dày đặc trên hói Phổ Lợi

Bèo ngày càng phủ đặc, có chỗ thân bèo phát triển tốt cao gần 1 mét làm cho chính quyền xã khó khăn hơn trong việc vận động đoàn thể cũng như người dân tham gia vớt bèo.

Trong khi đó, cùng một dòng chảy trên hói Phổ Lợi, nhưng từ đập La Ỷ đến thôn Trung Đông thuộc xã Phú Thượng bèo gần như không có. Để làm được điều này, từ năm 2013, ngoài nguồn kinh phí 40 triệu đồng/năm huyện cấp cho các xã vớt bèo, lãnh đạo UBND xã Phú Thượng  mạnh dạn bù thêm 20 triệu đồng từ nguồn kinh phí của xã tiến hành xử lý bèo quyết liệt. Sau khi vớt toàn bộ số bèo, trên khu vực của mình, xã khoán mức lương 2,5 triệu đồng/tháng cho một người thường xuyên chèo ghe vớt bèo hạn chế sự sinh sôi của nó. Những năm sau, vấn đề này nhanh chóng đi vào quy củ, giúp người dân xã Phú Thượng có môi trường sống tốt hơn.

Tìm nhiều giải pháp

Ông Đoàn Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương cho biết, tháng 8/2015, chính quyền địa phương ký hợp đồng với Trung tâm Khoa học Công nghệ mua máy cuốn bèo với giá 50 triệu đồng (vượt 10 triệu đồng so với kinh phí của huyện), nhưng sau thử nghiệm, máy không vận hành được do một số thông số kỹ thuật chưa chuẩn. Cũng trong năm 2015, Hợp tác xã Phú Dương đã xây nhà máy phân vi sinh với mục đích giải quyết nguồn nguyên liệu từ bèo, rơm, rạ và rác thải. Lãnh đạo xã trực tiếp làm việc với Trung tâm Khoa học công nghệ tỉnh mua men vi sinh visura; đồng thời, phối hợp mời chuyên gia về hướng dẫn, lập dự án triển khai quy trình sản xuất phân vi sinh từ bèo lục bình. Nhưng rồi mọi việc không thành công do men visura không phù hợp.

Tuy vậy, ông Hùng khẳng định: Thời gian tới xã tiếp tục tập trung ba giải pháp. Đầu tiên, tiếp tục huy động nguồn lực từ Nhân dân và các đoàn thể ra quân vớt bèo. Đồng thời, không bỏ cuộc với dự án sản xuất phân vi sinh, mà tiếp tục học hỏi các địa phương khác để tìm loại men phù hợp. Giải pháp thứ 3 có 2 phương án: Cấp trên hỗ trợ kinh phí để đặt mua máy lớn ở địa phương khác với giá cao (ngoài khả năng kinh phí xã có) để giải quyết lượng bèo hiện nay trên hói Phổ Lợi. Phương án nữa, xã mong muốn năm 2016, huyện thành lập Ban Chỉ đạo để Phú Dương cùng các xã lân cận tổ chức vớt bèo tập trung cùng một thời điểm, nhằm hạn chế sự bất cập như bèo từ địa phương này trôi sang địa phương khác. Ông Hùng tin rằng, chỉ cần Ban Chỉ đạo thực hiện quyết liệt phương án này một lần, xã sẽ bằng mọi cách thực hiện thành công phương án giao khoán, phân bổ kinh phí thuê người vớt bèo thường xuyên để mọi việc đi vào quy củ.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN