Ăn cơm ba nước

Nói đến kinh nghiệm trong những chuyến du lịch bằng xe đạp qua ba nước, những người yêu thích bộ môn xe đạp ở Huế cũng như ngoại tỉnh đều biết đến anh Trần Mậu Thảo, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Xe đạp Huế, Phó phòng Kinh doanh, Công ty HGH Travel, cũng là hướng dẫn viên (HDV) chính cho tour độc đáo này. Trước khi gặp anh Thảo, chúng tôi có nhiều thắc mắc, trong đó quãng đường từ Huế sang Thái Lan đến vài trăm cây số, đối với một vận động viên xe đạp chuyên nghiệp chưa chắc đã hoàn thành, làm sao du khách có thể tham gia. Anh Thảo giải thích: “Trong hành trình, chỉ chọn những cung đường đẹp nhất để du khách khám phá và “trắc nghiệm” sức khỏe bản thân, quãng đường còn lại sẽ di chuyển bằng ô tô. Ngoài ra, để thực hiện chu đáo, thành công cho chuyến đi có thêm đội ngũ phục vụ, đặc biệt, HDV, lái xe và phụ xe phải cùng chung niềm đam mê, nhiều kinh nghiệm với bộ môn xe đạp”.

Các thành viên CLB Xe đạp Huế cùng nhau luyện tập. Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển

Khi tham gia hành trình đạp xe, trang phục là điều cần lưu ý nhất. Vì quãng đường khá dài nên phải có trang phục chuyên dụng của bộ môn xe đạp, đặc biệt, nón bảo hiểm phải đảm bảo chất lượng và tạo được sự thông thoáng khi sử dụng.

Anh Thảo kể về hành trình của một chuyến đạp xe du lịch: “5 giờ sáng đoàn lên ô tô xuất phát, tùy vào thời gian mà có thể dừng lại ở An Lỗ, Phong Điền hay Đông Hà (Quảng Trị) để ăn sáng. Di chuyển đến Đakrông (Quảng Trị), cả đoàn dừng chân để tham quan cây cầu treo nối liền đường Trường Sơn từ bắc vào nam. Tại đây, sau ít phút chuẩn bị, cả đoàn bắt đầu đạp xe lên thị trấn Khe Sanh, dừng lại chụp hình lưu niệm và nghe HDV giới thiệu một số điểm di tích lịch sử cách mạng rồi tiếp tục đạp xe lên cửa khẩu Lao Bảo”.

Anh Phan Hoàng, CLB Xe đạp Huế, chia sẻ: “Trong chuyến du lịch, ấn tượng với tôi nhất có lẽ là chặng đạp xe từ cầu treo Đakrông đến cửa khẩu Lao Bảo. Chặng đầu tiên trong hành trình, nhưng đó như cuộc “chiến đấu” giữa sức khỏe của con người với thiên nhiên. Đoạn đường dài khoảng 30km thì có đến 20km là đường núi thuộc dãy Trường Sơn, với nhiều khúc cua và dốc dựng đứng. Biết đường khó đi nên tốc độ đi chuyển của đoàn rất thấp, các thành viên phải tập trung giữ chắc tay lái. Đi được nửa chặng đường, chúng tôi đã thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại, đôi chân chỉ muốn nghỉ ngơi. Dù rất mệt, song khi qua đoạn này, từ trên đỉnh núi nhìn xuống cảnh tượng núi rừng thật hùng vĩ, “mây ôm núi” như một bức tranh vô cùng lãng mạn. Điều đó làm chúng tôi cảm giác như chinh phục được sự “khắc nghiệt” của thiên nhiên, cộng với không khí thoáng mát, các thành viên lại vui vẻ tiếp tục hành trình”.

 “Tại cửa khẩu Lao Bảo, cả đoàn lên ô tô đến Densavan - Lào nghỉ ngơi và ăn trưa. Sau đó, di chuyển đến thị trấn Sê Nô. Tại đây, cả đoàn có lần đạp xe thứ hai vào thành phố Savannakhet với chiều dài 35km. Cả đoàn đi qua những bản làng, chứng kiến sinh hoạt thường nhật của người dân, hiểu thêm nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Cũng trên quãng đường, đoàn đạp xe qua khu công nghiệp Savan - Sê Nô của Lào, chứng kiến sự đổi thay ở lĩnh vực kinh tế của đất nước bạn. Đến Savannakhet cả đoàn làm thủ tục nhập cảnh qua Mukdahan - Thái Lan. Vừa đặt chân đến Mukdahan cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, sau khoảng thời gian ngắn nghỉ ngơi, cả đoàn vui vẻ bên nhau và nhâm nhi đặc sản Thái Lan bên dòng Mê Kông”, anh Trần Mậu Thảo kể tiếp.

Anh Trần Thiện Phong, Chủ nhiệm CLB Xe đạp Huế, thành viên từng tham gia tour đạp xe qua ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan cho hay: “Điều thú vị là chỉ trong một ngày, chúng tôi có thể thưởng thức ẩm thực đặc trưng của cả ba nước. Đó có thể là những món ăn rất bình dị, nguyên liệu dễ tìm kiếm, nhưng là những món ăn độc đáo, được chế biến rất riêng. Ở Lào là món sông tầm (gỏi đu đủ) và lạp mú (gỏi da heo, thịt băm), còn ở Thái Lan là món cá nướng tươi ngon được đánh bắt trên dòng sông Mê Kông. Theo đánh giá của nhiều thành viên tham gia tour đạp xe từ Thái Lan sang Việt Nam, ẩm thực Cung đình Huế luôn để lại ấn tượng mạnh với họ và góp phần cho sự thành công của mỗi chuyến đi”,

Gắn kết tình hữu nghị

Anh Trần Thiện Phong nhấn mạnh: “Để lại kỷ niệm sâu sắc nhất với các thành viên là thông qua chuyến du lịch bằng xe đạp, tình hữu nghị giữa các CLB Xe đạp các quốc gia được xây dựng và vun đắp. Vượt qua bất đồng về ngôn ngữ, sự gắn kết nhau là ở đam mê thể thao. Mỗi khi đoàn đến với thành phố nào thì luôn có những CLB Xe đạp ở đó đón tiếp và cùng nhau đạp xe tuần hành. Khi khách đến Huế, CLB cũng đón tiếp và tuần hành qua các con phố của TP Huế. Sau những lần gặp gỡ và giao lưu ấy, các bên vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên và sẽ còn tiếp tục gắn kết trong thời gian đến”.

Các thành viên CLB Xe đạp Huế cùng nhau luyện tập. Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển

Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc HGH Travel cho biết: “Tour xe đạp từ Việt Nam sang Lào và Thái Lan đang được thử nghiệm, nếu có tính khả quan sẽ xúc tiến và tăng số lượng tour. Hiện nay, chiều từ Thái Lan về Việt Nam đã phát triển và có nguồn khách ổn định là lợi thế xây dựng tour ngược lại, nhằm cân bằng sự phát triển hai chiều. Chúng tôi mong tour du lịch mới lạ này sẽ là cầu nối văn hóa, tăng cường sự hợp tác về du lịch nói riêng và kinh tế nói chung giữa ba nước, đặc biệt khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức thành lập”.

Khi tham gia hành trình đạp xe, trang phục là điều cần lưu ý nhất. Vì quãng đường khá dài nên phải có trang phục chuyên dụng của bộ môn xe đạp, đặc biệt, nón bảo hiểm phải đảm bảo chất lượng và tạo được sự thông thoáng khi sử dụng.

ĐỨC QUANG