Xóm nhỏ cách con đường lớn náo nhiệt của phố mấy con hẻm loằng ngoằng, sâu hun hút. Sự bình yên của mỗi buổi chiều bị phá vỡ bởi tiếng anh Phi la hét, rượt đánh vợ hoặc đập phá đồ đạc trong cơn say xỉn. Mà không có ngày nào là anh Phi không xỉn. Chạy xe thồ được vài đồng, không kịp giắt lưng đã chui tọt vào cổ chai hết. Rượu vào thì “ra” thói vũ phu. Ban đầu hàng xóm láng giềng, rồi cả tổ trưởng tổ dân phố cũng can thiệp góp ý. Nhưng anh Phi chứng nào tật nấy, lại còn trừng mắt “việc nhà tao, bây đừng xía vô”, vậy là người ta mặc kệ.

Dân trong xóm nhỏ tò mò. Hay là chị Hoa đã “cắt phéng” anh Phi rồi? Nhưng có vẻ không phải vậy, vì mỗi ngày, họ vẫn thấy gia đình anh Phi sinh hoạt bình thường. Chị Hoa đi làm. Anh Phi chạy xe ra khỏi ngõ để đi thồ. Hai đứa con đi học. Ai cũng nghĩ, tuổi đã xế chiều, anh Phi thay tâm đổi tính thế mới phải. Có người đánh tiếng mừng cho chị Hoa và mấy đứa nhỏ.
Chị Hoa cười buồn buồn: “Em cũng không biết nên mừng hay... Thực ra, vợ chồng em đã ra toà ký giấy, đường ai nấy đi rồi nên ông ta mới không còn la hét, gây gổ nữa. Nhiều năm nay khổ vậy, nhưng em cũng không dám nghĩ tới chuyện bỏ chồng. Gần đây, cả hai thằng con trai kiên quyết “bắt” mẹ phải dứt khoát với ba. Con em doạ, nếu mẹ không làm vậy thì chúng đi bụi đời. Thực lòng, bị đánh đập chửi mắng năm này qua năm khác như vậy, tình cảm có còn gì nữa đâu. Em nghĩ cho con nên mới chấp nhận sống cảnh đó. Em biết, bây giờ, các con em đã lớn, chúng nghĩ cho mẹ nên mới làm vậy...”.
Ban đầu, anh Phi cũng ồn ào với vấn đề chia chác nhà cửa. Anh không nhất trí tự thoả thuận với chị Hoa, đòi nhờ toà án đứng ra chia. Thế nhưng, khi nghe giải thích phải mất mấy triệu tiền án phí chia tài sản, anh Phi rụt lại. Thoả thuận, anh ở nhà trên, phần mấy mẹ con chị Hoa nhà dưới, chật chội hơn một chút. Tạm thời, họ dùng mấy tấm cót dựng lên làm tường ngăn cách mỗi “nhà”, chờ khi nào có tiền sẽ xây tường kiên cố.
 
Bây giờ, phải tự lo cơm áo, nhưng anh Phi vẫn không bỏ được rượu. Ăn uống không ra gì, lại nốc rượu vào nên chỉ trong thời gian ngắn, hình hài anh Phi xác xơ, nhếch nhác. Một buổi tối mưa gió tầm tã, anh Phi “mò” về được đến cổng nhà, liêu xiêu dựng chiếc xe máy xong thì ngã vật xuống bậc thềm. Nhà nào nhà nấy đóng cửa, chẳng ai biết. Mẹ con chị Hoa nghe tiếng động trước cửa nhà, linh tính xảy ra điều gì đó, vội chạy ra. Thấy cha nằm ướt lướt thướt, bất động trên nền xi măng, trong hai cậu con trai hoảng hốt “bưng” anh Phi vào nhà. Thằng anh nói với đứa em: “Em cởi đồ ướt ra khỏi người ba, lấy đồ khô mặc vào rồi đắp chăn thật ấm, nhớ xức cả dầu cho ba. Anh chạy ra phố mua tô cháo nóng...”.
Lần “xui xẻo” đó, anh Phi nằm trên giường gần cả chục ngày. Người chăm sóc, cơm bưng nước rót cho anh không ai ngoài hai đứa con trai đang ở bên “nhà của mẹ”. Tuy không lần nào trực tiếp xuất hiện, nhưng anh biết những tô cháo nóng hổi, mùi vị quen thuộc đều do vợ cũ của anh nấu. Trước đây, những lần say xỉn hay đau ốm, anh cũng nhận được sự chăm sóc này của vợ, con, nhưng sao anh chẳng cảm thấy gì cả. Không hề biết quý giá và trân trọng! Để đến nỗi bây giờ vợ đã thành người dưng. Anh Phi rầu rĩ ngó “bức tường” bằng cót che chắn một cách tạm bợ để ngăn cách phần nhà của mỗi người như đã thoả thuận.
Anh Phi cũng biết, hai đứa con bất bình cảnh cha ngược đãi hành hạ mẹ, muốn giải thoát cho mẹ, nên chúng mới kiên quyết “bắt” chị Hoa phải dứt khoát với anh. Vậy mà, anh bị như thế này, hai đứa nó không vì oán trách mà bỏ mặc. Cả “người dưng” ấy cũng vẫn tốt với anh như vậy. Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh Phi tỉnh cơn mê, rớt nước mắt vì ân hận.
Cả anh và mẹ bọn trẻ, ai cũng cất cái quyết định công nhận của toà rồi. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Quan trọng là, nếu anh thực lòng tu tỉnh, có thể hai đứa nhỏ và người ấy sẽ tha thứ. Lúc đó, bức tường kia sẽ được phá dỡ.
Quỳnh Anh