Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất khi xác định giá cơ sở điều hành xăng dầu, thuế suất nhập khẩu của quý này được tính là bình quân gia quyền của các mức thuế tối huệ quốc (MFN) và biểu thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA, theo thực tế hàng hoá). 

Tức là sau mỗi quý, cơ quan quản lý sẽ căn cứ trên lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối từ các thị trường khác nhau để đưa ra thuế suất trung bình, sử dụng trong công thức tính giá cơ sở để tính giá quý sau. 

Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký Biểu thuế FTA được xác định theo quý (dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau) do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử (đảm bảo tính chính xác, tin cậy).

Bộ Tài chính khẳng định: Việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Cách tính này sẽ thu hẹp tối đa khoảng cách chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế của các doanh nghiệp ở các thị trường với mức thuế làm căn cứ xác định giá bán lẻ xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc lấy thuế nhập khẩu bình quân trong tính giá cơ sở xăng dầu là phù hợp với bối cảnh hội nhập, khi chúng ta cam kết nhiều mức thuế với nhiều thị trường khác nhau. Do đó, phải tính bình quân gia quyền của các mức thuế tối huệ quốc (MFN) và biểu thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA, theo thực tế hàng hoá) như vậy.

Được biết, cách tính thuế nhập khẩu trong giá cơ sở mới có thể được áp dụng ngay trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu dự kiến vào thứ hai tuần tới (21/3).

Trước đó, cuối ngày 18.3, Bộ Tài chính cũng ra thông báo giảm thuế nhập khẩu với dầu về 7%. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng vẫn được giữ nguyên ở mức 20%.

Theo Dân Việt