Ông Lee Se Dol (phải) đấu trí với chương trình AlphaGo. Ảnh: AP
|
Ông Demis Hassabis, Giám đốc điều hành Công ty DeepMind (Anh), là một trong những chuyên gia hy vọng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp các nhà khoa học giải quyết những vấn đề cấp bách và phức tạp nhất trong tương lai, từ biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe cho đến phân tích bệnh lý.
Kỳ vọng của ông Hassabis không phải không có cơ sở sau khi chương trình AI AlphaGo do công ty này phát triển đã giành chiến thắng trong loạt trận thi đấu cờ vây với con người - đại kiện tướng Lee Se Dol - vừa qua với tỉ số 4-1.
Tương lai rộng mở
Kết quả trên được đánh giá là một kỳ tích bởi trước thềm cuộc tranh tài, nhiều chuyên gia tin rằng sẽ mất ít nhất 10 năm nữa để AI đánh bại con người trong trò chơi cổ xưa cực kỳ phức tạp này. Vì thế, chiến thắng của AlphaGo cũng phần nào cho thấy tương lai rộng mở của AI. Chương trình này tự nâng cao trình độ chơi cờ bằng cách nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm từ những trận thi đấu đã diễn ra.
"AlphaGo tự chơi cờ, chơi hàng triệu lần, mỗi lần trở nên tốt hơn và rút ra bài học từ những sai lầm. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của chúng tôi là sử dụng chương trình AlphaGo để giải quyết những vấn đề trong thế giới thực” - ông Hassabis cho biết.
Thực tế, ngày càng có nhiều công ty thăm dò việc sử dụng AI để hỗ trợ hoặc thay thế con người trong cuộc sống và công việc. Trong số này, xe tự lái thu hút sự quan tâm đặc biệt thời gian qua. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Anthony Foxx gần đây cho biết 7 thành phố Austin, Columbus, Denver, Kansas City, Pittsburgh, Portland và San Francisco đang tranh đua nhận 40 triệu USD tiền hỗ trợ của chính phủ để phát triển các công nghệ thông minh, trong đó có xe tự lái.
Theo đài BBC, chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng cam kết dành 4 tỉ USD cho nỗ lực hiện thực hóa xe tự lái khắp nước Mỹ bất chấp nỗi lo công nghệ này còn thiếu sót.
Vẫn chưa hoàn hảo
Nguy cơ này được nêu bật qua vụ tai nạn giữa xe tự lái của Google và một xe buýt trên đường phố tại TP Mountain View, bang California - Mỹ hồi tháng 2 qua. Mặc dù không ai bị thương trong vụ tai nạn nhưng đây là lần đầu tiên hệ thống máy tính điều khiển trên xe tự lái của Google bị quy trách nhiệm gây ra vụ việc.
Bộ trưởng Foxx nói với đài BBC rằng sự cố liên quan đến những công nghệ mới là điều khó tránh bởi vẫn còn một chặng đường dài để chúng trở nên hoàn hảo. Ngoài ra, cũng cần nhìn vào những vụ tai nạn giao thông do hành vi con người gây ra để có cái nhìn toàn cảnh hơn.
Vì thế, một thách thức nữa ở đây là giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm khi tai nạn xảy ra. Ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm: người ngồi trên xe tự lái hoặc công ty đứng sau phần mềm bị lỗi cài đặt trên xe.
“Đó chính là câu hỏi mà chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp câu trả lời cho các bang và ngành công nghiệp trong vài tháng tới” - ông Foxx cho biết. Chưa hết, một vấn đề khiến vị bộ trưởng này bận tâm là những công nghệ thông minh có thể khiến con người mất việc.
Trở lại trận tranh tài nói trên, AlphaGo rốt cuộc cũng chịu thua 1 ván trước Lee Se Dol - một điều cho thấy cỗ máy này vẫn chưa phải là bất khả chiến bại. Đại diện Google, công ty đã thâu tóm DeepMind năm 2014, cũng nhìn nhận thất bại này “rất đáng giá” bởi nó giúp AlphaGo ngày càng hoàn thiện - một kết quả có thể khiến con người vừa mừng vừa lo.
Theo Người lao động