Tháp Eiffel, Paris hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất đêm 19/3. Ảnh: AFP

Sự gia tăng nghiêm trọng của việc đốt nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm không khí và đại dương, phá hủy hệ sinh thái, thay đổi khí hậu đang khiến các loài sinh vật dễ bị tổn thương đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Một tương lai đen tối đang phủ bóng không chỉ đối với chúng ta, mà còn đối với những sinh vật thầm lặng khác trên hành tinh.

Kể từ một thập kỷ trước, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) đã kêu gọi tất cả các cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và các doanh nghiệp trên toàn thế giới tắt tất cả thiết bị chiếu sáng không cần thiết của họ trong vòng một giờ từ 20h30-21h30, theo giờ địa phương. Khoảng thời gian này được gọi là Giờ Trái đất, được thực hiện vào ngày 19/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Sáng kiến ​​này đã được bắt đầu tại Sydney, Úc vào năm 2007 và được nhiều thành phố khác trên toàn thế giới hưởng ứng kể từ năm 2008.

Theo tin từ PressTV ngày 20/3, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát hành một tuyên bố về Giờ Trái đất năm 2016: "Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới có mức phát thải thấp trong tương lai, cần cho sự phát triển bền vững và một cuộc sống ổn định cho tất cả. Giờ Trái đất nhắc nhở chúng ta rằng, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm".

Tất cả các đèn chiếu sáng tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ và các cơ sở khác trên toàn thế giới đã được tắt trong Giờ Trái đất vào tối qua (19/3). Một số lượng lớn các di tích nổi tiếng và các tòa nhà trên khắp thế giới cũng chìm vào bóng tối trong vòng một giờ. 

Thanh Ngân (Lược dịch từ PressTV & Earthhour)