Chủ động đưa NCKH đến với học sinh nông thôn

Lần đầu góp mặt ở một kỳ thi quy mô lớn, công trình nghiên cứu “Dùng giọng nói để điều khiển và giám sát hệ thống nhà ở” của Hoàng Đức Tân (lớp 11A10) và Trương Đình Phú (lớp 10A9) đã mang về cho Trường THPT An Lương Đông giải khuyến khích quốc gia. Đây là món quà lớn cho công sức của thầy và trò ở vùng quê Phú Lộc. Cô Hà Thị Thanh Trà, Phó Hiệu trưởng cho rằng, phần đông phụ huynh, học sinh quan niệm đến trường để học, để thi đại học. Việc NCKH trong học sinh còn mờ nhạt, với phụ huynh càng xa lạ. Theo cô Trà, cho đến thời điểm này, học sinh An Lương Đông nói riêng và học sinh nông thôn nói chung vẫn rất cần sự kích cầu từ nhiều phía để có thể tạo nên phong trào NCKH sâu rộng.

Đoàn giáo viên, học sinh Trường An Lương Đông tham gia Hội thi KH-KT quốc gia 2016

Cách đây ba năm, cô Trà tiếp nhận vị trí Phó Hiệu trưởng, cũng là nhận trách nhiệm củng cố chất lượng giáo dục đại trà. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng giáo dục đỉnh cao, các sân chơi trí tuệ để kích cầu tính sáng tạo cũng như sự tự tin, linh hoạt của học sinh và NCKH là một sân chơi hữu ích. Cô đã mày mò học tập kinh nghiệm của các trường đang có phong trào tốt trong việc phát hiện và “làm” NCKH trong học sinh đồng thời rất cầu thị khi tham gia các hội thảo, hội nghị về NCKH dành cho học sinh phổ thông do ngành, tỉnh tổ chức. Bước đi đầu tiên của việc tạo nên không khí NCKH trong nhà trường ở vùng nông thôn như An Lương Đông là phải “đánh thức” ý thức trong học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Năm đầu tiên, các công trình tham gia thi cấp tỉnh của An Lương Đông không đạt giải. Rút kinh nghiệm, năm thứ hai (2014-2015), 1/3 sản phẩm đạt giải nhì lĩnh vực là nguồn động viên lớn với thầy và trò. Trường tổ chức chia sẻ với học sinh toàn trường để kích thích sự quan tâm của các em đến lĩnh vực tưởng như còn xa lạ này. Nhiều em đã tìm gặp giáo viên để hỏi về cách thức tham gia và được tận tình hướng dẫn. Cô Trà cho biết, Hoàng Đức Tân, một trong hai đồng tác giả của công trình đạt giải rất mê NCKH. Ngay cuối năm lớp 10, Tân bắt tay vào công trình dự thi năm lớp 11. Sự say mê này đã giúp em đến được với giải quốc gia 2016 và trở thành hạt nhân trong phong trào NCKH của trường.

Xã hội hoá phong trào

Sau thành công của mùa thi 2016, Trường THPT An Lương Đông quyết định xã hội hoá phong trào NCKH . Sau hai ngày “phát lệnh” xã hội hoá trên website của trường, cô Thanh Trà cho biết, đã nhận được sự ủng hộ đầu tiên từ phía Hội đồng hương Phú Lộc ở phía Nam. “Như tôn chỉ của lời kêu gọi, trường sẽ sử dụng kinh phí một cách cẩn trọng để phục vụ cho mục tiêu tạo cơ hội cho học sinh nhà trường tham gia sân chơi trí tuệ này”, cô Thanh Trà khẳng định.

Khi coi NCKH trong học sinh là một trong những hoạt động chuyên môn, hàng năm trường tổ chức cho các em thi ý tưởng, “lọc” chọn những ý tưởng mới, có giá trị thiết thực để trao giải cấp trường và đầu tư cho các em đi sâu nghiên cứu thành công trình để tham gia. Cô Trà cho biết, các em rất nhiệt tình tham gia. Chính sự say mê NCKH của các em đã khiến cho giáo viên và phụ huynh vào cuộc. Công trình đạt giải lần này của Tân và Phú đã cho thấy vai trò của giáo viên hướng dẫn rất rõ nét. Thầy Đào Văn Phụng, người đã luôn theo sát để hướng dẫn khoa học, giúp các em phương pháp nghiên cứu, viết thuyết trình cũng như tập cho các em tự tin trước đám đông, tâm sự: Học sinh của mình còn nhút nhát, các em cũng chưa được đầu tư nhiều về ngoại ngữ.

Thực tế cho thấy, khi NCKH, học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức để phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Sân chơi đã giúp các em phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân, thực hiện phương châm học đi đôi với hành, luyện tập năng lực tư duy độc lập và tự tin hơn với kết quả học tập của mình. Cũng vậy, qua thắng lợi này học sinh An Lương Đông đã rút ngắn khoảng cách vùng miền trong NCKH của học sinh.

Sản phẩm của những nhà khoa học “nhí” ở Trường THPT An Lương Đông

Xây dựng một hệ thống giám sát và điều khiển các phương tiện trong nhà, góp phần đưa khoa học công nghệ hiện đại vào cuộc sống là mục tiêu nghiên cứu của Tân và Phú. Cụ thể là xây dựng một “hệ thống giám sát và điều khiển các thiết bị trong nhà” bằng giọng nói thông qua mạng Internet kết nối không dây. Hệ thống còn tự động tắt toàn bộ các thiết bị điện trong nhà và khởi động cơ chế chữa cháy khẩn cấp bằng nguồn điện dự phòng giúp giảm thiệt hại về người và tài sản nếu có cháy xảy ra. Một chi tiết được quan tâm là sản phẩm có giá thành rẻ. Thầy Phụng cho rằng: “Giá thành và chi phí thấp, nên nếu được ứng dụng trong thực tế thì sản phẩm có thể đến được hầu hết các ngôi nhà ở mọi vùng miền đất nước”. Tuy nhiên, các nhà khoa học trẻ cũng tự nhận ra những nhược điểm và  xác định sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả ứng dụng. Công trình nghiên cứu “Dùng giọng nói để điều khiển và giám sát hệ thống nhà ở” của Hoàng Đức Tân (lớp 11A10) và Trương Đình Phú, (lớp 10A9) đã được đánh giá cao về giá trị mới trong NCKH của học sinh.

Bài, ảnh: Hương Giang