Tôi còn nhớ khi về quê cách đây vài chục năm, mấy đứa em chạy ra đồng nửa giờ sau đã có một xâu cá, một rổ ốc để chế biến thức ăn. Bây giờ thì không còn hạnh phúc đó khi cá tôm cua ốc ngoài đồng không sống nổi vì thuốc bảo vệ thực vật. Bây giờ các bà nội trợ ra chợ (kể cả một số siêu thị) không biết lựa chọn cái gì để gọi là an toàn thực phẩm. Thịt heo thì sợ thuốc tăng trọng, thịt bò thì sợ bơm nước, cá tôm thì sợ formol, rau thì sợ tưới dầu, phân bón mới... Nói tóm lại cái gì cũng sợ. Nhưng mà sợ thì biết ăn gì? Một vài ngày, trên TV, trên báo chí lại đưa tin kiểm tra nơi này, nơi khác phát hiện nội tạng động vật hôi thối, dầu ăn được vớt từ cống vệ sinh, thịt ôi thối lại được tẩm phụ gia chế biến như thịt mới... Ngay trong siêu thị cũng bị trộn lẫn rau sạch và rau không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá ‘date’ được dán lại ngày mới.

Không thể liệt kê được hết vì nó như mê hồn trận khi nhìn vào ai cũng nghĩ là tốt lành. Nhà tôi mua 5 trái táo mà người bán gọi là Táo Mỹ, nhưng cúng xong để quên trong ngăn kéo bàn thờ 2 tháng sau quả táo vẫn còn nguyên. Lại giật mình khi các cơ quan chức năng kiểm tra nơi sản xuất lậu thuốc và thực phẩm chức năng thì chỉ có bột mì và chất tạo màu, “chế biến” rượu Tây từ cồn công nghiệp và phẩm màu, chất tạo mùi. Gần đây trên VTV1 đưa tin từ khảo sát thực tế về sản xuất và thắp hương cúng nhân lễ hội đầu năm thì hương được trộn axitsunfuaric và formon để cháy tốt hơn, hương cong hơn.

Có thể kể ngày này qua ngày khác không hết những loại thực phẩm không an toàn, không đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt của con người. Những loại này một phần từ bên ngoài đưa vào, nhưng phần lớn được sản xuất trong nước. Trách nhiệm chính là các cơ quan chức năng không làm tròn chức trách của mình, buông lỏng quản lý, nhưng quan trọng nhất đó là đạo đức lương tâm của người sản xuất. Chắc chắn họ biết làm như vậy là sai phạm, ảnh hưởng sức khỏe người dân nhưng vì lợi nhuận mà nhắm mắt làm liều. Có dịp tiếp xúc nói chuyện với một chủ kinh doanh nhỏ ở Quận 12 Pari, khi được hỏi có rượu giả không, ông ta cho biết: Nếu bị phát hiện bán quá giá niêm yết thì bị phạt gấp 70 lần, nhưng phát hiện là giả thì vĩnh viễn chấm dứt kinh doanh, đồng nghĩa với phá sản, không kể là mặt hàng gì.

Như vậy, mấu chốt ở đây là trách nhiệm quản lý nhà nước và đạo đức của người sản xuất kinh doanh đối với các loại hàng hóa có liên quan đến sức khỏe con người. Cần thiết phải đưa ra đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về vấn đề này để công tác quản lý được chặt chẽ, hiệu quả. Vì tương lai giống nòi của dân tộc, đừng để chúng ta tự “giết hại” lẫn nhau từ những sản phẩm không an toàn.

NGUYỄN AN HÒA