Khoảng 5% dân số Ấn Độ thiếu nước sạch. Ảnh: AP.

Tổ chức từ thiện quốc tế WaterAid cho biết, 75,8 triệu người Ấn Độ - tương đương với 5% trên tổng số 1,25 tỷ dân của quốc gia này - đang bị buộc phải mua nước với giá cao, hoặc phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hay có hóa chất. Con số này chiếm hơn 1/10 tổng số 650 triệu người trên toàn thế giới không được tiếp cận nước sạch - nhiều hơn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào ở châu Phi hay ở Trung Quốc – đất nước có khoảng 63 triệu dân thiếu nước sạch.

Tình hình chung trên cả thế giới đã được cải thiện kể từ năm 1990, khi kể từ đó, 2,6 tỷ người được tiếp cận với nước sạch. Tuy nhiên, báo cáo kêu gọi cần hành động tích cực hơn nữa trong "một thế giới mà có 1 trong số 10 người vẫn đang bị mắc kẹt trong vòng nghèo đói và bệnh tật, và mong muốn được cung cấp nguồn nước sạch an toàn, với giá cả phải chăng".

Những người dân nghèo Ấn Độ không được tiếp cận với nước sạch buộc phải bỏ ra trung bình khoảng 0,72 USD để mua 50 lít nước mỗi ngày - số lượng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, báo cáo cho biết, lưu ý rằng khoản tiền đó chiếm gần 20% thu nhập hàng ngày điển hình của một người dân nghèo. Trong khi đó, số liệu so sánh cho thấy, người dân ở Anh chỉ chi tiêu khoảng 0,1 USD/ngày cho 50 lít.

"Việc quản lý nguồn nước kém hiệu quả là vấn đề lớn nhất khiến Ấn Độ thụt lùi", báo cáo viết, đồng thời cho biết thêm rằng, sử dụng nước bẩn gây nhiều bệnh hoạn cho người dân. Trên thế giới, có khoảng 315.000 trẻ em chết vì bệnh tiêu chảy mỗi năm, trong đó có 140.000 ca tử vong xảy ra ở Ấn Độ.

Ấn Độ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước mãn tính và hạn hán, khi các con sông ngày càng bị ô nhiễm và lượng nước ngầm dự trữ giảm nhanh chóng, do không kiểm soát được việc sử dụng các máy bơm nước của nông dân và dân làng. Vấn đề càng trở nên xấu đi khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên và những cơn mưa cũng trở nên thất thường do sự biến đổi khí hậu.

Trong vòng 15 năm, quốc gia này dự kiến ​​sẽ chỉ đáp ứng được một nửa nước cần thiết so với nhu cầu của các thành phố, và cho các ngành nông nghiệp và công nghiệp.

Các chuyên gia lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nước có thể làm trầm trọng thêm những xung đột cộng đồng hoặc căng thẳng trong khu vực, và đã kêu gọi chính quyền áp đặt các quy định nghiêm ngặt về việc bơm nước và sử dụng nước.

Mực nước biển gia tăng và các sự kiện thời tiết cực đoan thường xuyên hơn - hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra - "sẽ làm cho nguồn cung cấp nước nói riêng, và cuộc sống người dân nói chung, mong manh hơn bao giờ hết", báo cáo nhấn mạnh.

Tố Quyên (Lược dịch từ AP & CNSnews)