Góp phần tăng lượng khách
Năm du lịch Quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 tại Quảng Ninh. Đến nay, chương trình đã trải qua 8 kỳ, lần lượt do các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Thái Nguyên, Cần Thơ, Hà Nội và Phú Yên đăng cai tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, về hiệu qủa, Năm Du lịch Quốc gia góp phần đáng kể trong việc tăng lượng khách. Năm 2007, Năm Du lịch Quốc gia đem đến cho tỉnh Thái Nguyên lượng khách tăng 51%. Năm 2010, Năm Du lịch Quốc gia giúp lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng 62% so với năm 2009.
Một cái được khác theo ông Tổng Cục trưởng là Năm Du lịch Quốc gia là cơ hội để các địa phương đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Năm 2005, từ kinh phí của Trung ương và địa phương, Nghệ An đã đầu tư gần 223 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ năm du lịch. Tương tự, năm 2007, Thái Nguyên đầu tư trên 152 tỷ đồng… Sau 8 lần tổ chức, Năm Du lịch Quốc gia cũng đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam và nhận thức của người dân về du lịch.
Nặng tính “sự kiện”
Bên cạnh hiệu quả, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, tồn tại lớn nhất của Năm Du lịch quốc gia là chưa có hiệu qủa lâu dài. Sau những sôm tụ, sôi động của Năm Du lịch Quốc gia, hoạt động du lịch tại các địa phương đăng cai lại trở về im ắng với những khoảng lặng.
Dù được đánh giá tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2006 nhưng theo ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiệu qủa du lịch thực sự mà năm du lịch đem lại chưa cao. Các hoạt động trong năm du lịch chủ yếu là cho thị trường nội địa, với lễ hội là chính… trong khi đây là sản phẩm du khách quốc tế ít quan tâm. Ông Cả thẳng thắn: “Chúng ta đầu tư cho Năm Du lịch Quốc gia qúa lớn. Các địa phương chi rất nhiều tiền nhưng lại thiếu đầu tư cho sản phẩm du lịch cụ thể nên hầu như chưa có sản phẩm gì bền vững, lâu dài để lại. Chương trình của Năm Du lịch Quốc gia thường gắn qúa nhiều với sự kiện chính trị, thể dục thể thao trong khi những hoạt động này không thu hút được khách quốc tế”.
Đồng quan điểm trên, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minhcho rằng, ngoài Năm Du lịch Quốc gia gắn với “1000 năm Thăng Long- Hà Nội” là mang tính quốc tế, các Năm Du lịch Quốc gia còn lại chủ yếu mang tầm địa phương, mang tính “sự kiện”. “Hầu hết, các địa phương chỉ tập trung cho Lễ Khai mạc và Bế mạc còn việc phát triển diện mạo du lịch và sản phẩm du lịch còn rất chung chung, dàn trải, mới làm được ở nội địa chứ chưa hướng ra được quốc tế. Đây là một trong những lý do khiến T.P Hồ Chí Minh chưa dám đảm nhận đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia”-Ông Khánh đúc kết.
Đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm bền vững
Để nâng cao hiệu qủa tổ chức Năm Du lịch Quốc gia giai đoạn 2012-2017, một số ý kiến cho rằng, cần đặt ra mục tiêuvì du lịch để đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm bền vững, có khả năng duy trì lâu dài.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist gợi ý một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh, việc xúc tiến, quảng bá các lễ hội, tour tuyến phải chi tiết và tiến hành sớm trước ít nhất 1 năm để các hãng lữ hành kịp chào bán. Đối với thị trường nước ngoài, quảng bá phải tiếp cận được các hội chợ quốc tế lớn, qua kênh của bộ ngoại giao và các kênh thông tin quốc tế như BBC, RFI… Đặc biệt, chủ đề và sản phẩm phải hướng đến thị trường cụ thể, phù hợp với thị hiếu du khách. Quá trình xây dựng sản phẩm, phải lưu ý đến hạ tầng giao thông, chất lượng phục vụ, vệ sinh môi trường để đảm bảo sản phẩm hoàn chỉnh.
Để chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2012 khu vực duyên hải Bắc miền Trung do Thừa Thiên Huế đăng cai, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao-Du lịch cho biết, địa phương đang đầu tư nâng cấp một số công trình hạ tầng như sân bay Phú Bài, cảng Chân Mây và trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích. Riêng chương trình năm du lịch đã được quảng bá tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội chợ du lịch Châu Á tại Nhật Bản và sắp tới là Indonesia…Với chủ đề du lịch di sản, Năm Du lịch Quốc gia 2012 sẽ tập trung liên kết quảng bá, xây dựng các sẩn phẩm du lịch văn hóa- di sản, lễ hội, đặc biệt là hành trình qua các kinh đô cổ và khám phá con đường di sản miền Trung, nơi chỉ riêng các tỉnh Bắc miền Trung đã tập trung đến 6 di sản văn hóa thế giới, gồm Nhã Nhạc, Quần thể di tích Cố đô (Thừa Thiên Huế); Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).