Ở đây, điều mà chúng tôi muốn đề cập đến không phải là một phạm trù, mà là sự thiếu trách nhiệm ngay từ tâm thế của người đổ lỗi. Bên cạnh những người biết cách vượt lên số phận khi chống chọi và chiến thắng với khổ đau, mất mát, nhiều người vẫn cho rằng, đấy là lỗi của số phận (không may mắn); bên cạnh những người năng động, tìm mọi cách để thực hiện cho được và thực hiện tốt hơn việc mình được giao, hoặc tự mình chọn, vẫn có kiểu buông xuôi, mặc kệ, được thì tốt không được thì thôi và lỗi là do cơ chế, do thủ tục; thậm chí là do những lý do rất trời ơi đất hỡi như kiểu ra đường gặp mưa, hỏng xe, “bỗng dưng” mất điện, máy móc vận hành kém. Trong công sở, chúng ta đôi khi vẫn phải đối mặt với những lý do lãng xẹt khi công chức viên chức đi làm trong tình trạng la đà do nể đối tác, anh em; do bận đưa đón con...

Nhưng đó cũng mới chỉ là những cách đổ lỗi đơn thuần (dù tạo ra sự khó chịu đến mức không chấp nhận được khi nó lặp đi lặp lại). Trong công việc hàng ngày, chúng ta vẫn thường bắt gặp chuyện đổ lỗi và quy trách nhiệm cho người khác khi công việc không hanh thông, chẳng hạn trình độ, khả năng của tôi là vậy; trách nhiệm của tôi đến đó và trên tôi là những người có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm cao hơn... Hệ quả của “cơ chế” đổ lỗi này là chất lượng công việc kém, thậm chí có khi bị ngưng trệ và phải mất nhiều thời gian sau đó mới khắc phục được. Tệ hơn thì vấp phải việc “đổ lỗi” cho người khác, tác nhân khác mà một cá nhân nào đó bị đánh giá không đúng, bị nhìn nhận sai, bị mất uy tín và cũng nhiều khi mất luôn cơ hội phát triển khi không thể “minh oan” được.

Thiếu tinh thần nỗ lực, thiếu ý chí phấn đấu và thiếu can đảm khi không dám nhìn vào chính mình không dám nhận lỗi; hoặc có thể sợ bị liên lụy; sợ bị đánh giá, xử phạt, chế tài theo nội quy, quy chế, luật định... là những căn nguyên dẫn đến việc đổ lỗi cho người khác - điều mà chúng ta vẫn thường gặp trong hoạt động hàng ngày. Tất nhiên, điều này sẽ được rà soát, xem xét, điều chỉnh, thậm chí là chuyển dịch, thay đổi nhân sự (nào đó) để có người dám chịu trách nhiệm với bản thân, với chính mình trước khi chịu trách nhiệm lớn hơn là với công việc và nơi mà mình đang làm việc. Tại các diễn đàn khác, người ta đã phân tích/ mổ xẻ vấn đề này và truy nguyên căn cứ của việc đổ lỗi cho người khác là không được giáo dục tính tự chịu trách nhiệm ngay từ nhỏ, là vai trò của gia đình, nhà trường; là thói quen; sự ảnh hưởng và lây lan của môi trường sống và làm việc... Tôi đã nghĩ nhiều đến “cơ chế đổ lỗi” này, đến sự không dấn thân, không dám chịu trách nhiệm và đương đầu này ngay cả khi mà một người nào đó, đang tìm cơ hội để có một vị trí việc làm vào một cơ quan nào đó nhưng khi được người khác góp ý về công việc của mình lại “đổ lỗi” rằng, vào cơ quan đó chỉ cần như vậy thôi. Liệu bạn nghĩ gì, cảm thấy như thế nào nếu nhân sự này đang có ý định xin vào cơ quan bạn?

Cơ chế đổ lỗi dẫn đến chất lượng công việc kém cỏi, nguy hiểm hơn, nó làm dấy lên những nghi kỵ và những xung khắc lẫn nhau mang tính nội bộ trong công việc; và hẳn nhiên điều đó trở thành tác nhân dẫn đến trì trệ mọi sự phát triển. Nhưng cũng cần phải thấy rằng, cách nhìn nhận, đánh giá về năng lực, sở trường, về tính năng động, khả năng thích ứng và tinh thần tự chịu trách nhiệm đã hoàn toàn khác trước. Những người chủ chốt sẽ không đánh giá/lựa chọn những người không có ý chí vươn lên, không có khả năng chấp nhận thử thách, không dám vượt ngưỡng để hoàn thiện mình.

Tôi tin, đây cũng là lúc mà “cơ chế đổ lỗi” sẽ đi dần đến chỗ bị loại bỏ và thủ tiêu.

Nguyễn An Lê