Bộ trưởng các nước EU tham dự cuộc họp khẩn ở Brussels. Ảnh: Reuters.

Các vụ đánh bom tại sân bay Brussels và một tàu điện ngầm trong giờ cao điểm đông đúc, diễn ra chỉ 4 tháng sau khi 130 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công mà IS đã thực hiện ở Paris, cho thấy sự bất cập trong việc hợp tác về an ninh của châu Âu.

Theo các quan chức, nhiều trong số 28 quốc gia của Liên minh châu Âu, bao gồm cả những thành viên cốt lõi của EU như Pháp và Đức, cũng giữ lại những dữ liệu chiến lược nhất của mình, mặc dù tuyên bố sẵn sàng chia sẻ chúng.

Tại cuộc họp khẩn cấp được tổ chức ngay sau vụ đánh bom ở Brussels, các quan chức cho rằng, các nước châu Âu không còn có thể giữ những thông tin sống còn chỉ cho bản thân được nữa.

"Đôi khi đó là do thiếu ý chí chính trị, thiếu sự phối hợp và quan trọng nhất là thiếu sự tin tưởng lẫn nhau trong một số trường hợp", Cao ủy EU Migration Dimitris Avramopoulos nhận định, "những cuộc tấn công khủng khiếp vừa qua là lời cảnh báo nghiêm trọng hơn bao giờ hết."

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Koen Geens – người vừa xin từ chức sau vụ khủng bố ở Brussels, cho biết, "đối với việc trao đổi thông tin và điều tra chung, chúng tôi thực sự đang tiến rất nhanh, hướng tới một cuộc chiến phối hợp chống chủ nghĩa khủng bố".

Ủy ban châu Âu đã tìm kiếm sự đồng thuận trong gần 5 năm qua về một dự thảo luật nhằm cung cấp cho các lực lượng an ninh EU quyền truy cập các dữ liệu của hành khách hàng không. Đề xuất này đã bị chặn lại tại Nghị viện châu Âu vì lo ngại của các nhà lập pháp cánh tả về tính riêng tư.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng kêu gọi thực thi tốt những biện pháp đã thống nhất về nguyên tắc, bao gồm kiểm soát biên giới hiệu quả, kiểm tra nhận dạng, các bước để ngăn chặn việc sử dụng các tài liệu giả mạo và kiểm soát việc mua bán các loại hóa chất có thể được sử dụng để chế tạo bom.

"Khủng bố được tiến hành rất nhanh, nhưng châu Âu lại thường chậm chạp", ông Angelino Alfano - Bộ trưởng Nội vụ Italia, nói về tốc độ thực thi các kế hoạch.

Europol, cơ quan chống tội phạm quốc tế có tổ chức của EU, cho biết họ đã quan sát thấy có sự gia tăng mối liên kết giữa khủng bố và thế giới tội phạm ngầm ở châu Âu, ví dụ như trong việc cung cấp vũ khí bất hợp pháp và sự xuất hiện của các chiến binh nước ngoài gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo với một hồ sơ hình sự.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Dailymail)