Trả lời: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán, bắt cóc và chiếm đoạt trẻ em, Cục CSĐT Tội phạm về TTXH (C45) thông báo tới Phòng PC45 Công an các địa phương về phương thức, thủ đoạn và một số giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm này. Công an các địa phương cần chủ động phối hợp làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em và sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, như: điều tra, rà soát, xác minh các trường hợp cho nhận con nuôi có biểu hiện nghi vấn liên quan đến mua bán người tại các bệnh viện, khoa sản, trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em cũng như lên danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc nghi vấn hoạt động phạm tội trong những lĩnh vực này trên địa bàn.

Công an các địa phương cần phối hợp với lực lượng an ninh văn hóa tăng cường kiểm tra, rà soát để phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, bảo vệ tại các bệnh viện, nhà hộ sinh, không để tội phạm lợi dụng bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật… để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp mua bán, cho nhận con nuôi bất hợp pháp; Đồng thời, tập trung lực lượng khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án xâm hại trẻ em, nhanh chóng bắt giữ các đối tượng phạm tội, đảm bảo an toàn cho nạn nhân là trẻ em bị bắt cóc, chiếm đoạt; phối hợp với các cơ quan tòa án, viện kiểm sát các cấp, nhanh chóng đưa ra xét xử các vụ bắt cóc theo đúng pháp luật (nếu thấy cần thiết, có thể tổ chức xét xử công khai, lưu động một số vụ án điển hình để có tác dụng phòng ngừa, răn đe tội phạm). Đối với các vụ án xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, PC45 các địa phương nhanh chóng báo cáo với C45 khẩn trương phối hợp điều tra.

Nhằm phòng ngừa tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ sơ sinh tại Bệnh viện T.Ư Huế, Ban Giám đốc chỉ đạo Khoa Sản xây dựng “Quy trình bảo vệ trẻ từ khi sinh ra, chăm sóc ban đầu hoặc cấp cứu đến khi giao trẻ lại cho sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh” và Phòng Bảo vệ đã đề xuất một số phương án bảo vệ trẻ từ khi trẻ ra khỏi Khoa Sản đến khi ra khỏi bệnh viện. Theo Công an Vĩnh Ninh, Phòng Bảo vệ cần khảo sát lại địa bàn, đánh giá toàn bộ tình hình, kinh nghiệm công tác bảo vệ vừa qua, những tình huống có khả năng phát sinh, phương án tối ưu để để kiểm soát, phòng ngừa, chủ động xây dựng dự thảo “Quy trình bảo vệ trẻ từ khi trẻ ra khỏi Khoa Sản đến khi ra khỏi bệnh viện” trình Ban Giám đốc phê duyệt để thực hiện (cần thiết có thể tham vấn cơ quan công an để bổ sung). Trong quy trình, cần thể hiện việc lắp đặt camera để theo dõi, kiểm soát trẻ và người ra vào tại khu vực trước cửa Khoa Sản cũng như kiểm soát số xe taxi đến đón sản phụ. Bảo vệ trực ở cổng ra vào phải có nhật ký theo dõi số xe taxi cũng như người nhà đến đón sản phụ về trên nguyên tắc “Trẻ chỉ được ra khỏi bệnh viện cùng mẹ”.

Bùi Vĩnh