Ra quân diệt bèo ở xã Phú Dương (Phú Vang)

Rút kinh nghiệm những lần ra quân trước, chỉ dựa vào lực lượng tham gia theo phong trào như học sinh, sinh viên, bộ đội, thanh niên tình nguyện…; lần này, huyện kêu gọi sự chung tay của người dân toàn huyện. Riêng xã Phú Dương, bèo lục bình đang là vấn đề nan giải một thời gian dài chưa tìm ra hướng giải quyết. Lần này, nhờ có sự ra quân tập trung toàn huyện, không còn sợ bèo từ xã này trôi qua xã khác sau khi vớt… tạo điều kiện thuận lợi cho các xã tiêu diệt triệt để bèo. Nắm bắt cơ hội, lãnh đạo xã Phú Dương tổ chức đến từng nhà dân kêu gọi và được người dân nhiệt tình hưởng ứng, chung tay với chính quyền để vớt hơn 70.000m2 bèo mọc dày đặc trên hói Phổ Lợi dài gần 6 km. Theo kế hoạch, mỗi có thôn ít nhất 15 người vớt bèo/ngày, mỗi người vớt 30m2/ngày. Những người tham gia vớt bèo chỉ nhận 50% tiền công, tương đương 100 nghìn đồng/người/ngày. Ước tính tổng chi phí diệt bèo lần này ở Phú Dương hết hơn 80 triệu đồng; trong đó, huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại trích từ nguồn kinh phí của xã. Tuy nhiên, nhiều thôn huy động lực lượng đông hơn yêu cầu của xã, nhất là những thôn có người làm nghề câu, bủa lưới như thôn Mỹ An ngày đầu ra quân có 80 người tham gia, những ngày tiếp sau số lượng cũng tương đương. Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân tham gia vớt bèo trên hói Phổ Lợi thẳng thắn: “Dòng chảy được lưu thông, môi trường bớt ô nhiễm thì người dân chúng tôi được hưởng lợi trước, nên chúng tôi rất sẵn lòng hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền”. Ông Đoàn Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương khẳng định: “Nếu người dân không vào cuộc, chi phí sẽ tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn nữa. Chúng tôi sẽ có phương án không để bèo phát triển, lặp lại tình trạng như thời gian qua tại địa phương”.

Bèo dày đặc trên sông Phổ Lợi

Hầu hết người dân Phú Vang đều nhiệt tình tham gia vớt bèo ở đợt ra quân này. Tuy nhiên, một số địa phương như thị trấn Thuận An, do ở cuối hói Phổ Lợi, đoạn cầu Diên Trường có diện tích mặt nước rộng, mực nước sâu, số lượng bèo nhiều; ngoài ra, ở vị trí cuối dòng chảy nên nhiều loại rác thải từ thượng nguồn cùng trôi về làm việc vớt bèo gặp nhiều khó khăn.

Toàn bộ số bèo vớt ở Phú Dương đều chuyển về khu xử lý rác hữu cơ của xã tại thôn Thiện Căn để tiến hành sản xuất phân vi sinh. Các địa phương khác đa số sử dụng bèo làm phân xanh hoặc ủ rồi chuyển về Phú Dương; một số địa phương phơi khô trước khi chở về bãi rác. Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết: “Đây là lần ra quân quyết liệt nhất từ trước đến nay nhằm xử lý dứt điểm bèo lục bình. Để ngăn chặn sự phát triển nhanh của loại thực vật này, huyện chỉ đạo các xã lập tổ vớt bèo thường xuyên, hướng tới làm việc một cách chuyên nghiệp, hàng tháng phân công người chèo ghe vớt sạch bèo.”.­

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN