- Sao mẹ ăn lâu thế. Phải ăn nhanh lên. Mẹ phải ăn thêm chén nữa - Con vừa cao giọng, vừa gắp thức ăn vào bát mẹ.

- Mẹ no rồi, không ăn nữa.

- Không được, phải ăn thêm-Con vẫn gay gắt, giành cái bát, bới thêm một chén cơm đầy.

- Mẹ đã nói là mẹ không ăn nữa mà - Mẹ cáu, trừng mắt quát. Còn con thì phá lên cười.

Một lần khác, con lại lên giọng:

- Mẹ phải uống hết bịch sữa này - Vừa nói, con vừa xỏ ống hút vô bịch sữa, dí tận miệng mẹ.

- Mẹ không uống sữa - Mẹ bực tức chống đối.

- Mẹ phải uống nhiều sữa để có can xi, mới cao lớn được-Con vẫn cương quyết ấn cái ống hút vào miệng mẹ. Cho đến khi mẹ không kìm nén được, phát cho con một cái thật đau vào tay, con mới thôi.

Lại một lần khác. Vào tối thứ bảy. Mẹ giải trí bằng cách chơi một ván lines. Đã mười giờ hơn mà mẹ vẫn chúi mắt vào máy. Con lại cao giọng:  

- Mẹ đã đi ngủ chưa. Muộn rồi còn máy với móc-Nhưng mẹ vẫn không rời máy.

- Mẹ có đi ngủ không. Mai lại dậy muộn - Nói rồi con nhanh tay giật cái máy trên tay mẹ, vứt cái cộp lên  bàn.

Mẹ cáu kỉnh nạt, “con hỗn thế”. Nhìn vẻ mặt tức tối của mẹ, con lại phá lên cười tinh nghịch.

Sau những lần con bỗng trở chứng như thế, mẹ chợt giật mình. Hình như con đã nói cái cách của mẹ với con mỗi ngày, bằng những mệnh lệnh áp đặt. Những sự áp đặt máy móc, khô khan ngày ngày vây bọc lấy con.

Cho đến một hôm, mẹ thảng thốt nhận ra, có lẽ, sự nghiêm khắc và khuôn khổ của mẹ đã làm mất đi của con bao hứng thú, bao sáng tạo của tuổi thơ. Đó là những lúc con vào nhà tắm và cứ nấn ná mãi. Có khi con cho nước tràn ra để làm hồ bơi. Có khi con lấy tay vẽ những hình thù con yêu thích lên lớp hơi nước đọng trên cửa kính nhà tắm. Bên ngoài, mẹ bất chợt giật giọng: “Con! Sao lâu thế. Nhanh lên chứ. Tốn hết cả nước”. Con giật mình, vội vàng tắm táp trong gấp gáp.

Sự tất bật vội vàng của người lớn bởi lúc nào cũng thiếu thời gian. Sự dè xẻn khi chi tiêu ngày càng đắt đỏ. Những mệt mỏi trong công việc. Sự lo lắng cho những bất an xung quanh trở thành thế giới khô cứng bao bọc lấy con. Không được chơi chân đất. Không được đá bóng trong nhà. Không được ăn kem. Không được đạp xe ngoài đường lớn... Với bao nhiêu mệnh lệnh lạnh lùng ấy, có lẽ, rất nhiều sự sáng tạo, bay bổng diệu kỳ của tuổi thơ đã không kịp bột phát, không kịp nuôi dưỡng và lớn lên.Những tố chất có thể mãi mãi đã bị đóng chặt với sự áp đặt, có lẽ rất phổ biến đối với trẻ con trong từng gia đình như thế.

Nhật Nguyên