Đáng lo

Ghé vào cơ sở thu mua phế liệu của bà Phạm Thị Th. Th., trên đường Nguyễn Tất Thành (phường Thủy Dương, Hương Thủy), chúng tôi thấy ngổn ngang loại phế liệu. Bên trong căn phòng rộng chừng 30m2, một nữ nhân công đang tháo chiếc nồi cơm điện ra từng bộ phận để phân loại, cạnh đó là vô số giấy loại, bình nhựa - những vật dễ cháy nổ. Khi đề cập đến nguy cơ cháy nổ thì bà Th. chủ quan đáp: “Không can chi mô em ơi! Kho phế liệu của chị đã tồn tại hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ xảy ra cháy nổ, trước đó có lần chập điện nhưng may xử lý kịp. Còn nếu có cháy thì nhân viên ở kho dùng bình chữa cháy dập tắt liền”. Vừa nói, bà Th. chỉ tay về chiếc bình chữa cháy bị bụi phủ kín được treo trên tường.

Nhiều vỏ bom, đạn gỉ sét nằm lẩn trong một kho phế liệu. ảnh: Thái Bình

Ông Lê Văn C. một tổng đại lý thu mua phế liệu tại phường Thủy Châu (Hương Thủy) cho biết, gia đình ông có 3 cơ sở thu gom phế liệu. Trong đó đa phần là phân loại, tái chế các phế liệu như nhôm, nhựa, ni lông và giấy. Riêng sắt thì không phân loại, tái chế mà trung chuyển về các nhà máy ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Gia đình ông làm nghề này đã gần 30 năm, nhưng chỉ để xảy ra cháy 1 lần do chập điện trong đêm. Về phế liệu bom, đạn, ông C. khẳng định, trước đây có thu mua, nhưng nay thì không, bởi nhà máy mà ông nhập hàng nếu phát hiện có các loại bom, đạn sẽ phạt 2 triệu đồng/kg. Do đó không ai dại gì kinh doanh phế liệu này…

Các cơ sở kinh doanh phế liệu tự tin như vậy, nhưng thực tế, đã xảy ra một vài vụ cháy nổ ở các cơ sở thu mua phế liệu. Điển hình như vụ cháy nổ kho chứa phế liệu của cơ sở tái chế kim loại Thủy Cường (đóng ở phường Thủy Châu) vào lúc rạng sáng 29/4/2014. Kho phế liệu này chứa hàng trăm bình gas, vỏ lon bia, chai nhựa... nên sau khi phát hỏa, ngọn lửa đã lan nhanh ra khu vực xung quanh kèm theo những tiếng nổ lớn. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ, lực lượng Cảnh sát PCCC mới dùng vòi rồng khống chế được ngọn lửa để tránh lây lan sang khu vực nhà dân nhưng kho phế liệu này đã cháy rụi.

Ngoài Thủy Dương, Thủy Châu, qua khảo sát cho thấy, ở các phường như Thủy Phương, Phú Bài (TX Hương Thủy), Hương Sơ, Thủy Xuân, An Đông, An Tây (TP. Huế) và một số địa bàn khác của tỉnh còn có hàng trăm cơ sở thu mua phế liệu tương tự, không đảm bảo an toàn về cháy nổ. Trong đó, có nhiều cơ sở phế liệu nằm bên các tuyến đường lớn đông đúc xe cộ qua lại hoặc nằm xen kẽ ở các khu nhà liền kề, chỉ cần một mẩu thuốc lá hoặc có một tia lửa điện thì các kho chứa hàng này chắc chắn sẽ bị thiêu rụi, ảnh hưởng đến người dân sống quanh khu vực.

Phải đưa vào khuôn khổ

Dù các phế liệu bình thường đã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nhưng nhiều cơ sở vẫn bất chấp để thu mua các loại phế liệu như vỏ đạn cối 105, đạn pháo 57 ly; đầu đạn B40 hoặc các loại đạn có kích cỡ lớn. Bà Nguyễn Thị H. chủ cơ sở phế liệu ở phường Thủy Châu cho biết, cách đây chừng 3 năm, bom đạn là loại được dân buôn phế liệu ưa thích nhất bởi vỏ bom hoặc đầu đạn thu mua vào chỉ 5 đến 7.000 đồng/1kg nhưng thuốc nổ được lấy ra từ các vật liệu này bán đắt gấp nhiều lần, đó là chưa kể bán vỏ sắt. “Hiện giờ thì cửa hàng tui chỉ mua bom, đạn “sạch”, cũng bởi đã nghe nhiều người chết do cưa bom, cưa đạn, nhiều vụ cháy nổ do lượng thuốc nổ tồn dư trong vỏ đạn chưa lấy ra hết. Vì thế mình làm nghề cũng phải cẩn thận hơn, không phải thứ gì cũng mua để rồi phải mang họa”, bà H. nói.

Ông Phùng Hữu Trọng, Bí thư Đảng ủy phường Thủy Dương cho biết, trên địa bàn phường có 4 cơ sở thu mua phế liệu nằm giữa khu dân cư nhưng vì kinh doanh nhỏ lẻ nên các cơ sở này không đăng ký kinh doanh hoặc các thủ tục pháp lý khác. Vì lo sợ cháy nổ nên phường thường xuyên phối hợp với cơ quan công an tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở đảm bảo an toàn cháy nổ. Ông Vũ Đức Duy, Chủ tịch UBND phường Thủy Châu khẳng định: Trên địa bàn phường có 22 cơ sở thu gom phế liệu lớn và vừa nằm dọc theo trục đường Quốc lộ 1A (Nguyễn Tất Thành) và trong khu dân cư. Trong đó, có 7 cơ sở lớn thu gom đủ tất cả các loại phế liệu. Các cơ sở này có nguy cơ dễ gây ra cháy nổ và ô nhiễm môi trường, nhưng đều có giấy phép kinh doanh do cấp có thẩm quyền cấp. Năm 2012, phường đã có chủ trương di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên do gặp nhiều vướng mắc, khó khăn nên chưa thực hiện được. Đến nay, ngoài 22 hộ kinh doanh phế liệu, có 9 cơ sở làm nghề gò, hàn, cưa xẻ gỗ đăng ký vào khu quy hoạch này.

Ông Phan Bồng, Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Hương Thủy cho biết, hiện nay UBND thị xã Hương Thủy đã có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Theo đó, UBND thị xã đã quy hoạch khu đất với quy mô 5,2 ha thuộc phường Thủy Châu để di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường, có nguy cơ cháy nổ ra xa khu dân cư. Trong đó, ưu tiên các cơ sở kinh doanh phế liệu nhằm vừa đảm bảo bộ mặt phố thị khang trang, sạch đẹp vừa đảm bảo an toàn cho các khu dân cư. 

Đại úy Lê Văn Thứ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC Thừa Thiên Huế nhận định, do nằm gần căn cứ Phú Bài (cũ) nên Hương Thủy được xem là vùng tập trung nhiều cơ sở thu gom phế liệu nhất địa bàn tỉnh với trên 50 vựa phế liệu lớn nhỏ. “Tới đây, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thống kê lại các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn, đồng thời tăng cường kiểm tra về an toàn PCCC tại các cơ sở này. Nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm quy định, kinh doanh phế liệu gây cháy nổ, ảnh hưởng đến khu dân cư thì kiên quyết xử lý!”, đại úy Lê Văn Thứ khẳng định.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh: Nên đưa các kho phế liệu ra xa khu dân cư

 Nhiều chủ các vựa phế liệu sử dụng diện tích nhỏ để hoạt động và làm nơi sinh hoạt của gia đình nên địa điểm thường nằm trong khu dân cư để thuận tiện. Các loại phế liệu là những vật chất dễ cháy, đa số là chai, bình nhựa cũ, giấy... Một số chủ vựa vì ham lời nên thu mua cả những loại đầu đạn, mìn... sau đó cưa cắt để lấy đồng, thép. Điều này rất nguy hiểm, như vụ nổ nghiêm trọng ở Hà Đông cũng là do cưa vật bằng kim loại có chứa vật liệu nổ.

Phía cơ quan PCCC không khuyến khích việc các điểm thu mua phế liệu nằm trong các khu dân cư. Tuy nhiên, do không có quy định cấm các vựa thu mua ve chai hoạt động trong các khu dân cư nên tốt nhất, chính quyền địa phương nên vận động, khuyến khích các chủ vựa di dời đến những điểm xa khu dân cư để nếu có xảy ra sự cố thì không ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Các địa phương cũng cần quản lý tốt, theo dõi sát và thường xuyên kiểm tra các điểm thu mua phế liệu về an toàn phòng cháy chữa cháy. Chúng tôi chỉ đạo lực lượng PCCC phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra PCCC tại các cơ sở nhằm sớm chấn chỉnh nguy cơ mất an toàn về PCCC, tránh những sự việc không đáng tiếc xảy ra.

THÁI SƠN (ghi)

THANH HẢI- THÁI BÌNH