Không chỉ chuyện bé gái lớp 3 Trường tiểu học Thuận Hòa (TP. Huế) hay bé trai 5 tuổi ở quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh), mà trước đó đã có rất nhiều thông tin các trường hợp trẻ bị bắt cóc tại các địa bàn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác; mà hầu hết là không chính xác. Điều đáng nói là các thông tin này được xuất phát từ sự hiểu nhầm, hay chỉ để câu like trên facebook nhưng qua nhiều người đã đồn thổi, thêu dệt thêm nhiều tình tiết, gây hoang mang dư luận xã hội.
Vấn đề đặt ra là tại sao thông tin bắt cóc trẻ em lại thu hút dư luận, tác động đến tâm lý nhiều người đến thế. Điều này có thể hiểu là tâm lý của những người làm cha, làm mẹ, ai cũng dành hết tình cảm cho con cái của mình, nên không thể không lo lắng. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự yên tâm, bởi nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em vẫn còn diễn ra. Chẳng hạn mới đây, Công an Bạc Liêu đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng đã dụ em Nguyễn Thị Ánh T. (SN 2001) ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng để bán cho một người Trung Quốc với giá 120 triệu đồng. Năm ngoái, Công an TP. Móng Cái (Quảng Ninh) đã triệt phá đường dây mua bán trẻ em sang Trung Quốc, bắt 5 đối tượng, giải cứu bé trai 20 ngày tuổi. Trước đó, Công an phía Trung Quốc cũng đã triệt phá vụ mua bán trẻ em, phát hiện 10 cháu bé là người Việt Nam và đã liên hệ với Công an Việt Nam để đưa các cháu về nước…
Để không gây hoang mang, lo lắng về chuyện bắt cóc trẻ em, cần có nhiều biện pháp. Ngoài việc đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn bán trẻ em thì việc xử lý nghiêm những cá nhân tung tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Người tiếp nhận thông tin cũng phải bình tĩnh, suy xét, để không vô tình tiếp tay làm nhiễu thông tin. Bên cạnh đó, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ từ trong gia đình, trường học đến cộng đồng; đồng thời, đẩy mạnh phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, nhằm hạn chế những trường hợp đáng tiếc, có thể xảy ra.
Đặng Thành