Rất nhiều thuyền rồng nằm gác mái ở bờ sông dọc đường Trịnh Công Sơn
Xem bèo, gặp “rồng”
Mấy ngày gần đây, bèo lục bình tràn ra sông Hương rất nhiều, gây ô nhiễm và làm tổn hại vẻ đẹp của dòng sông huyền thoại xứ Huế. Mọi người đều than thở tiếc. Và mọi con mắt đều đổ dồn về “ông” nhà nước, về “ông” môi trường đô thị. Song, bản thân Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Đô thị Huế - ông Nguyễn Hồng Sơn cũng đã phải trải lòng “thú nhận” với báo chí là đơn vị của ông không thể đảm đương nổi do lực lượng, phương tiện mỏng, còn bèo thì quá dày. Đồng thời, kiến nghị tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương ra quân vớt bèo.
Chưa biết bao giờ ra quân và hiệu quả sẽ như thế nào. Riêng bèo thì vẫn nở... như bèo, lặng lẽ nhưng lan đến chóng mặt. Bèo tràn sông Thọ Lộc - Như Ý, bèo rong chơi khắp Ngự Hà, lang thang đầy dòng An Cựu, nhộn nhịp khắp mặt nước Đông Ba... và nay thì sông Hương kêu trời. Nếu không hành động sớm thì bèo sẽ cứ thế mà lấn tới. Và câu chuyện sẽ càng ngày càng thêm nhiêu khê phức tạp.
Đoạn Ngự Hà ở cầu Hắc Báo đã bị bèo lục bình bịt lối. (Ảnh chụp ngày 26/3/2016)
Sáng nay, có việc vô Thành nội, dòng Ngự Hà như khoác áo mới nhờ vừa được đầu tư nạo vét, tôn tạo. Nhưng trên mặt sông thì tha hồ bèo. Chợt thấy lo cho viễn cảnh không xa, một vài đoạn sông sẽ ken đặc lục bình như một thời mà ai cũng thấy. Tiếp tục cho xe chạy dọc dòng Hương, sau nỗ lực bước đầu của anh chị em công nhân môi trường đô thị, mặt sông đã đỡ nham nhở nhưng sự hiện diện của bèo thì không thiếu. Lặng lẽ ở nhiều bến dọc đôi bờ là những chiếc thuyền rồng nằm chờ suất ca Huế hay có ai thuê thì chở một tuor ngược sông Hương đi thăm chùa chiền lăng tẩm. Song, nghe nói số đắt sô như vậy hình như không nhiều, còn đại đa phần đều chỉ nằm “ngẫm ngợi”. Có thể kiểm chứng điều này khi về đường Trịnh Công Sơn, toàn rồng và rồng nằm vểnh râu gác mái suốt cả quãng sông dài dọc tuyến đường này.
Chợt nghĩ, sao không tổ chức cho bầy rồng này ra quân diệt bèo chơi?
Rồng diệt bèo, nhưng cần cộng hưởng
Tạm đặt tên đại loại là ngày hội “Rồng Vs bèo” chẳng hạn. Thay vì nằm không không rất uể oải, hãy cho ra quân thi đấu. Trong một khoảng thời gian giới hạn nào đó, đội nào vớt- không cần biết bằng phương thức gì, càng sáng tạo càng khuyến khích - miễn tập kết về khối lượng bèo lớn nhất sẽ là đội chiến thắng và sẽ được nhận thưởng xứng đáng. Hình thức tổ sao đó cho hoạt náo, cho sôi động. Có băng rôn, khẩu hiệu, có báo chí, truyền hình, có chỗ cho biển hiệu quảng cáo để kêu gọi tài trợ... Ngoài phần thưởng trao cho các đội chiến thắng, những thuyền còn lại tham gia hội thi được hỗ trợ tiền dầu, tiền nước. (Điều này theo chúng tôi là thỏa đáng và khả thi vì hiện nay nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ người dân vớt bèo. Lãnh đạo thị xã Hương Trà thông báo tại cuộc họp 23/3 với UBND tỉnh là đã chi 45 triệu cho việc xử lý 1km bèo ở sông Kim Đôi...; các địa phương cũng đang đề nghị tỉnh hỗ trợ cho công tác này với kinh phí 5.000đ/m2, chưa kể kinh phí tài trợ từ các doanh nghiệp khi được kêu gọi...)
Hoạt động này hãy cứ lặp đi lặp lại, mỗi tháng 1 lần hoặc 2 tuần một lần, tiến đến vận động, tổ chức cho các khối cơ quan, đơn vị, thậm chí cả du khách tham gia thi tài, vừa như một trò chơi vừa là một hoạt động xã hội ý nghĩa. Huế sẽ vừa có một cuộc tranh tài rộn ràng vui mắt trên sông Hương, lại vừa có tác dụng to lớn trong việc giữ gìn mỹ quan, môi trường cho dòng sông - cũng là môi trường vẫy vùng, sinh sống của chính “bầy rồng” tham gia hội thi. Hoạt động này cũng đồng thời khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Song song với “Rồng Vs bèo”, các địa phương trong toàn tỉnh cũng cần quan tâm một cách tích cực, thường xuyên cho hoạt động tuyên chiến với bèo. Hãy phát động ngày lao động công ích, huy động tổng lực toàn thể cán bộ, công viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên... cùng ra quân diệt bèo.
Làm riết róng, kiên trì trong một thời gian, làm đều khắp từ phố thị cho chí nông thôn, từ ruộng đồng cho chí sông rạch, vấn nạn bèo chắc chắn sẽ bị đẩy lùi.
Bài, ảnh: Huy Khánh