Một bé gái đi ngang khẩu hiệu tuyên truyền chống Ebola được vẽ trên một bức tường ở thủ đô Monrovia, Liberia. Ảnh: AFP 

Theo đó, WHO chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp kéo dài gần 20 tháng do Ebola, với khoảng 11.300 trường hợp tử vong.

Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO cũng nhất trí những kiến ​​nghị từ một ủy ban của các chuyên gia độc lập nhằm kêu gọi dỡ bỏ mọi hạn chế du lịch và thương mại ảnh hưởng đến 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone.

"Đại dịch Ebola ở Tây Phi không còn là một vấn đề y tế công cộng khẩn cấp cần sự quan tâm quốc tế (PHEIC)", bà Chan khẳng định trong một cuộc họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva.

"Tuy nhiên, cảnh giác ở mức độ cao và khả năng phản ứng phải được duy trì để đảm bảo khả năng của các quốc gia trong việc ngăn ngừa nhiễm Ebola, cũng như nhanh chóng phát hiện, ứng phó trước sự bùng phát có thể trong tương lai", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

Ebola gây ra khoảng 11.300 trường hợp tử vong, chủ yếu là ở Guinea, Liberia và Sierra Leone kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2013 tại Guinea. Đại dịch dấy lên báo động toàn cầu vào giữa năm 2014, khiến cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề, trong bối cảnh các chính phủ và cơ quan cứu trợ dốc hết sức để ngăn chặn dịch bệnh.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & AFP)