Thật khó tưởng tượng từ sợi kẽm bé xíu có thể làm nên những chậu bonsai nhiều màu sắc và tinh tế đến vậy. Để làm nên những chậu bonsai thủ công này, hai tác giả của chúng phải thực hiện rất nhiều công đoạn tỉ mỉ: nào là bẻ, cuốn, tạo hình hoa bé xíu, phủ sơn, phơi khô, kết thân rồi kết hoa lên nhánh. Những chậu hoa mềm mại và đẹp mắt ra đời là thành quả của sự sáng tạo, khéo léo và rất nhiều công sức.

Trạch Oanh bên những chiếc đèn thủ công sáng tạo từ que kem gỗ

Những chiếc đèn nghệ thuật làm từ que kem gỗ lại là một sự ngạc nhiên khác. Bằng những que gỗ nhỏ, đơn giản và cùng kích thước, Quốc Trưởng và Trạch Oanh đã tìm tòi, sáng tạo để làm nên những chiếc đèn đủ hình dáng (tròn, tháp, tam giác, biến thể của tam giác, chùa một cột, hình vuông...). “Việc sắp xếp các que gỗ đòi hỏi phải có tư duy hình thể và rất cẩn thận, chỉ cần lệch một chút là hỏng chiếc đèn. Sự sắp xếp đan xen giữa các thanh gỗ nhỏ tạo thành khe để ánh sáng xuyên qua. Sự tinh tế và thú vị của chiếc đèn nằm ở đó”, Trạch Oanh cho hay.

Thú vị nhất trong số những sản phẩm thủ công của hai tác giả này là những sản phẩm souvenir độc đáo làm từ một chất liệu tưởng chừng khô khan - thìa, nĩa inox! Từ những chiếc thìa nĩa inox rất đỗi đời thường lại có thể làm nên bộ nhạc cụ vô cùng đẹp mắt với đủ các loại nhạc cụ cổ điển, như piano, violon, accordion, saxophone cho đến những nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn cò, đàn tranh, sáo,... và cả người nhạc trưởng đang điều khiển dàn nhạc sinh động. Bên cạnh bộ nhạc cụ độc đáo, du khách cũng không khỏi bất ngờ trước bộ động vật, với những chú rồng, bò cạp, bạch tuộc, rắn, ốc sên sống động; bộ tình nhân với đủ các tư thế ngồi dễ thương; bộ xe với những chiếc xe vespa, xe mô tô, xe đạp và cả những chiếc xích lô đáng yêu đặc trưng của Huế. Cũng không thể không kể đến bộ vòng tay với các loại vòng có hoa văn trạm trổ độc đáo và lạ mắt.

Để cho ra đời những sản phẩm souvenir thìa, nĩa inox đầy nghệ thuật, Quốc Trưởng đã có 10 năm không ngừng sáng tạo và tìm tòi. Những sản phẩm thủ công làm từ thìa, nĩa inox đã được chọn trưng bày tại triển lãm Fesival mỹ thuật  trẻ 2014 và triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014. “Ý tưởng làm sản phẩm souvenir nghệ thuật bằng thìa, nĩa xuất phát từ khi mình còn là sinh viên. Ban đầu chỉ là cặp tình nhân với nhiều tư thế ngồi để bán ở phố đi bộ. Dần dần, mình sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới mang tính thẩm mỹ và ứng dụng hơn. Càng làm càng say, cứ mỗi lần ngồi làm lại có thêm nhiều ý tưởng thú vị...”, Quốc Trưởng cho hay.

“Cả hai đều học Trường đại học Nghệ thuật Huế nên rất thích sự sáng tạo. Làm đồ handmade (làm bằng tay) khó vì phải luôn sáng tạo, đổi mới để thu hút khách hàng. Tụi mình làm để trải nghiệm cuộc sống và thỏa mãn đam mê là chính chứ không phải vì kinh tế”, Trạch Oanh chia sẻ. Ban đầu, Oanh và Trưởng chỉ làm những sản phẩm thủ công để bán cho khách đi bộ. Thấy du khách thích thú, tò mò với sản phẩm của mình nên cả hai đã quyết định thuê một gian hàng nhỏ để làm nhiều sản phẩm souvenir hơn, đa dạng về mẫu mã và mang tính nghệ thuật hơn. Sản phẩm của hai giảng viên này được một số khách hàng nước ngoài để mắt và đặt hàng. Thời gian tới, cả hai dự định sẽ đầu tư để sản phẩm của mình không chỉ là món quà thú vị dành cho du khách trên phố đi bộ mỗi khi đến thăm Huế mà còn đến được với nhiều khách hàng ở xa.

Bài, ảnh: Ngọc Hà