Khác biệt, mới lạ

Bằng chất liệu acrylic, “Độc thoại” của Vũ Duy Tâm tạo được ấn tượng thị giác bởi cách thể hiện khác thông lệ về một tác phẩm hội họa, giúp Tâm “ẵm” một lúc hai giải: Giải thưởng Mỹ thuật trẻ của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và giải thưởng Mỹ thuật Bửu Chỉ.

Thưởng lãm “Ngón tay vàng” của Trần Tuấn

Vẽ ba khuôn mặt của một con người mang tính biểu hiện đa chiều về thông điệp nhân văn, họa sĩ Vũ Duy Tâm chia sẻ, “Độc thoại” là câu chuyện về chính bản thân tác giả. Có lúc, trong anh tồn tại nhiều con người khác nhau với những cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội. Anh luôn bị giằng xé bởi những luồng suy nghĩ không đồng nhất, mâu thuẫn với nhau.

“System#3” của Nguyễn An cuốn hút người xem khi đề cập đến những quy luật trong xã hội theo cách nhìn hài hước, châm biếm. Đó là sự đối chọi, thắng thua, ganh đua trong một góc nhìn mới, hiện đại. Hình ảnh hai con vật đầu búa húc nhau để tranh giành chiếc ghế khiến người xem liên tưởng đến một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực. Cuối cùng, không chỉ chúng tổn thương mà cây đinh ở giữa là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Việc sử dụng búa và đinh cũng mang nhiều hàm ý sâu xa, gợi người xem liên tưởng đến thế giới quyền lực có thể “đóng, nhổ” cây đinh bất cứ lúc nào.

“Ngón tay vàng” của Trần Tuấn lại gửi đến người xem thông điệp sâu sắc phản đối chiến tranh. Đó là câu chuyện thời chiến, những người trốn lính phải tự hủy ngón tay bóp cò của mình. Không chỉ sử dụng hình ảnh ngón tay để phản đối chiến tranh, Trần Tuấn còn tạo nên những sản phẩm hữu dụng cho cuộc sống hàng ngày, như: muỗng, nĩa, dao, kéo, kềm, bấm... Vì thế, “Ngón tay vàng” mang thông điệp của nhân loại, vượt khỏi biên giới quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà một bảo tàng của Indonesia đã sưu tập một trong hai bộ tác phẩm này.

Nhiều tác phẩm khác trong triển lãm cũng thể hiện sự tìm tòi trong sáng tạo và gửi đến người xem nhiều thông điệp nhân văn. Đó là khát vọng hòa bình trong tác phẩm “Trò chơi” của Nguyễn Văn Hè. Trong khi “Ám ảnh số 6” của Võ Thành Thân là một sự ám ảnh khôn nguôi sau vụ khủng bố ở Paris, nước Pháp. Hoặc “Cô đơn 1” của Hồ Thị Hải Yến lại thể hiện sự cô đơn của con người trong thời đại công nghệ số.

Khai phá nguồn năng lượng trẻ

Những ngày này, Newspace Arts Foundation– vốn là không gian của nghệ thuật đương đại, trở nên cuốn hút hơn với nhiều sáng tạo mới lạ trong Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ 1. Với 57 tác phẩm của 52 tác giả trẻ được tuyển chọn trưng bày, nhân tố trẻ trong chủ thể sáng tạo được bộc lộ rõ nét từ sự đa dạng hình thức thể loại, chất liệu tạo hình, ngôn ngữ và bút pháp thể hiện. Tất cả tạo nên một bữa tiệc nghệ thuật lôi cuốn, hấp dẫn người xem với nhiều cảm xúc rộn rã từ những thông điệp nghệ thuật ẩn dụ, biểu hiện.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế giới thiệu: “Với triển lãm này, bên cạnh sự tươi mới trong phong cách mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ, của niềm đam mê kiếm tìm sự khẳng định, ta còn bắt gặp nhiều đường hướng thể nghiệm mang lại những khoái cảm nghệ thuật mới, lấp lánh nhiều hứa hẹn”.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho biết thêm, những tác phẩm được lựa chọn trưng bày đều hội đủ các điều kiện: có tìm tòi sáng tạo, phong cách, ngôn ngữ biểu hiện mới. Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 3 tác phẩm xứng đáng nhất thuộc 3 thể loại: tranh tạo hình, nghệ thuật sắp đặt và điêu khắc để trao giải. Đó là “Độc thoại” của Vũ Duy Tâm, “Ngón tay vàng” của Trần Tuấn và “System#3” của Nguyễn An. Những tác phẩm này được chọn bởi chúng lạ về ý tưởng, thể hiện được tinh thần của người trẻ.

Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ 1 – Huế 2016 đánh dấu sự ra đời một sân chơi dành riêng cho lực lượng sáng tác trẻ của tỉnh nhà. Đây là sân chơi nhằm kích thích tinh thần sáng tạo nghệ thuật trong đội ngũ họa sĩ, nghệ sĩ trẻ – lực lượng chiếm tỷ lệ đông đảo, dồi dào năng lực sáng tạo. Đây là những người thường xuyên có những hoạt động thể nghiệm, thử sức trong các loại hình và cách thể hiện mới trong nghệ thuật.

Bài, ảnh: Trang Hiền