Phía này thuận với chiều lên núi Sam viếng bà chúa Sứ hay viếng lăng Thoại Ngọc Hầu, tham quan kênh Vĩnh Tế... nên dịch vụ chừng như có vẻ phát triển. Quán xá chen giữa những dãy nhà bắt đầu cao tầng. Không nhiều cây, nên gió có vẻ cũng khô khi chạy qua phố, chạy qua những khoảng đất trống đợi người. Cái màu nắng đầu ngày, chưa đến nỗi gay gắt nhưng mồ hôi bắt đầu ướt loang trên lưng áo của người vừa đến từ vùng mù sương.
Nhà thờ Hồi giáo ở Châu Đốc
Cảm giác đầu tiên của tôi ở Châu Đốc đến từ chút ngòn ngọt của tô bún cá, chút nhân nhẫn của bông điên điển làm rau ăn kèm và sau đó là một ly cafe đen đá to bự chảng đúng cách của người miền tây. Sau đấy là mùi mắm các loại khá đặc trưng ngay từ phía bên kia đường của lăng Thoại Ngọc Hầu. Đã qua tháng giêng, người ta bảo khách hành hương đã vãn hơn rất nhiều nhưng tôi vẫn trông thấy những điểm đỗ xe chật ních, những đoàn người trong chật cứng mùi hương và tiếng khấn vái thầm thì âm ỉ. Được xem là một công trình kiến trúc tiêu biểu, phụng thờ một danh tướng tiêu biểu dưới thời nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thoại – người được lưu danh ở vùng đất này với việc chỉ huy thực hiện hai công trình tiêu biểu là kênh Thoại Hà vào năm 1818 (dài hơn 30 km nối rạch Đông Xuyên - Long Xuyên - với rạch Giá Khê - Rạch Giá) và kênh Vĩnh Tế (nối liền Châu Đốc và Hà Tiên) vào năm 1819 và hoàn thành sau 5 năm. Theo Đại Nam Nhất Thống chí thì kênh Vĩnh Tế “dài 105 dặm rưỡi, tiếp với sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, cộng 205 dặm rưỡi. Từ đấy đường sông mới thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng».
Bến phà Châu Giang
Khi đứng trên đỉnh núi Sam, nơi có miếu bà chúa Xứ, nhìn con kênh chảy hiền hòa giữa đồng ruộng và xóm làng, tôi cứ nghĩ mãi về một tầm nhìn chiến lược của người xưa trong phát triển quốc phòng và kinh tế. Gần 200 năm đã qua, dòng kênh này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đưa nước ngọt từ sông Tiền vào vùng đồng bằng Thất Sơn và vùng Tứ giác Long Xuyên, đồng thời dồn tụ phù sa để góp phần mang lại vẻ trù phú cho đồng ruộng vùng châu thổ Cửu Long. Có thể chưa phải là tất cả, nhưng khi chúng tôi đang có mặt ở Châu Đốc, đã có 9/13 tỉnh miền tây bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nắng hạn. Tổng diện tích lúa bị thiệt hại trên 139.000 ha; nguy cơ cháy rừng cảnh báo cấp độ 4-5 (cấp độ cực kỳ nguy hiểm) và hiện 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) thiếu nước sinh hoạt là thông tin được cập nhật từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long và Trà Vinh đã công bố thiên tai hạn mặn. Đây cũng là đợt hạn mặn khốc liệt nhất trong lịch sử 100 năm qua ở vùng đất này và cũng mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Tuy nhiên, An Giang nói chung và Châu Đốc nói riêng vẫn chưa có tên trong danh sách này. Kênh Vĩnh Tế vẫn hiền hòa mang nước về đồng ruộng và phía bên kia thành phố, sông Hậu vẫn đang hối hả chảy dưới nắng oi và hanh...
Vào Tràm Trà Sư
Đến Châu Đốc với tâm thế của một người thích khám phá, nên hệ thống chùa, miếu nói thật là không để lại trong tôi quá nhiều những dấu ấn. Có chăng là sự thành kính của người dân đến chiêm bái từ nhiều tỉnh lân cận. Chùa ở đây cũng không giống như chùa Huế khi cuộc sống đời thực quá gần với chân tu. Ngay sát lăng Thoại Ngọc Hầu, người sống ở mấy ngôi nhà dân ở sát ngay nách bình thản chuẩn bị bữa cơm hàng ngày. Hệ thống cáp treo lên núi Cấm cao 716 m đã được đưa vào hoạt động cách đây hơn 1 năm, cơ bản là để phục vụ những dòng người hành hương và có vẻ đang phát huy hiệu quả. Tiếc là các công trình chùa ở đây như Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh... vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện, nên khá nhiều bụi và có vẻ ồn ào. Hy vọng là những lần trở lại sau, vùng núi Cấm sẽ được bao phủ bởi màu xanh của cỏ, của hồ nước lớn và hệ thống cây trái như theo như dự án ban đầu. Lâu dài hơn, sẽ là sự tiếp tục của một chùm các dự án mới với khu biệt thự sinh thái, khu hội nghị, khu nghỉ dưỡng, khu trung tâm điều hành, khu dịch vụ hành hương với tổng diện tích trên 70ha. Khi ấy, điểm du lịch này sẽ trở thành một điểm đến thu hút với những huyền thoại về các loài loài trầm hương, tốc hương, súc sa, cây sao, giáng hương, thông tre cũng như những truyền thuyết khác về đất và người từ trên “nóc nhà” miền tây Nam bộ.
Mua vé lên một chuyến phà để qua làng Chăm phía bên dòng Châu Giang, chỉ chừng mươi phút là đã có thể cảm nhận một nhịp sống khác, không phải là quá chậm rãi nhưng có vẻ trầm lắng của người làng Chăm Islam. Tôi thích cách mà người ở đây hồn nhiên phơi tung lò mò - lạp xưởng bò màu đỏ sẫm bên hiên nắng, trên những sào tre hay sạp gỗ. Thích đôi mắt của thiếu nữ Chăm ngước lên nhìn khách dưới tấm khăn hijab – đôi mắt mà tôi đồ chừng sẽ đốn ngã trái tim của một anh chàng đa cảm nào đó. Làng Chăm ở vào phum Soài, ấp Hòa Phong, xã Châu Phong và một số con đường nhỏ khác thuộc thị xã Tân Châu khá thong dong trong tiếng chơi đùa của mấy bé gái, trong bước chân thong dong của những người phụ nữ mặc abaja và những người đàn ông mặc xà rông truyền thống. Dù quy mô và sự bề thế là khác nhau, nhưng kiến trúc của các nhà thờ Hội giáo đều có biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết, cửa và nóc hình vòm, màu chủ đạo là xanh và trắng. Màu mà theo giải thích của ông Mohamet, 64 tuổi mà tôi gặp ở thánh đường Mosque Mubarak là tượng trưng cho sự trong sáng và an lành, đều không có tượng của một vị thánh nào mà chỉ có hậu tẩm - nơi chức sắc đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ; và Minbar là nơi giảng giáo lý trong buổi lễ thứ sáu hàng tuần.
Giọng hiền và chậm, người đàn ông này nói với tôi rằng, phải 4 tháng nữa, mùa lễ hội của người Chăm Islam mới bắt đầu. Khi đã mặn chuyện, ông cũng nói với tôi về yêu cầu 5 lần/hành lễ trong ngày, về tháng ăn chay Ramadan “dành cho những người biết suy nghĩ” từ 13 -15 tuổi trở lên với những yêu cầu bắt buộc cơ bản như không được uống rượu và các thứ men làm say; phải nhịn ăn từ một giờ rưỡi trước khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn cùng 10 điều cấm kỵ khác mà tôi chưa kịp nhớ hết. Có một điều thật khác, ngay trong các thánh đường hồi giáo như ở Mubarak này tồn tại luôn cả một nghĩa địa. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, một người đàn ông đã ngưng chút vội vã trước khi bước lên thánh đường làm lễ để giải thích rằng, đây là những ngôi mộ dành cho đồng bào Chăm, không kể cũ mới, như một nơi để họ nằm lại khi về với thánh Allha. Có lẽ vì vậy mà không gian dành cho những người đã khuất ở đây rất bé hẹp.
Một khoảng xanh, thơm mát và ngây ngây mùi hương tràm ở Tràm Trà Sư - khu rừng đặc trưng của loại rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Nam Bộ rộng 845ha, nơi tập trung sinh sống của khoảng 140 loài thực vật xác định, 11 loài thú và 23 loài cá, trong đó có nhiều loài quý hiếm và có giá trị khoa học như: cò Ấn Độ, cò lạo, điêng điểng, cá còm, cá trê trắng... - là điều tôi còn lại trước khi rời Châu Đốc. Khi ngồi trên thuyền lướt đi trên mặt nước còn đầy những bèo, dưới những hàng tràm tuổi tác, tôi nghe tiếng ong bay, nghe tiếng những chú chim cồng cộc vỗ cánh khi bị đánh thức, và những con cò chao cánh ở phía xa. Hình ảnh này, hương vị này cũng giống như cảm giác mà tôi đã từng có khi trôi trên Đồng Tháp Mười ở Mộc Hóa – Long An một ngày đã xa. “Mùa Xuân khi bông vừa lên, ong về tìm hoa hút mật/là khi ta đi tìm nhau, bỗng gặp tình yêu say đắm...” không biết có phải những ca từ ấy trong bài hát Hương Tràm của tác giả nào đó đã bắt đầu từ những dư vị dễ thương này? Tôi đã nghĩ hoài về điều đó, khi bước qua 137 bậc cấp để leo lên đỉnh tháp cao 23m nhìn ra mông lung rừng tràm.
Khi ấy, nắng Châu Đốc dường như đã len vào gió rồi chạy phớt qua người như một làn môi ấm...
Bài, ảnh: HẠNH NHI