Nhỏ tuổi cũng mê
Nếu không có lời giải thích của một bạn trẻ, chúng tôi đã nhầm tưởng những người chơi bóng rổ buổi chiều ở Trường THPT Hai Bà Trưng là một nhóm. Trên sân, họ say mê thi đấu, phối hợp nhuần nhuyễn với nhau qua các động tác dẫn, chuyền, ném bóng. Thực ra, đó là những người khác câu lạc bộ (CLB) cùng đam mê kết hợp, giao lưu chơi chung.
Hai CLB Trường THPT Hai Bà Trưng và Trường đại học Y Dược Huế cùng nhau tập bóng rổ
Bóng rổ xuất hiện ở Huế trước năm 2000, nhưng phải đến hơn 10 năm sau, môn thể thao này mới phát triển trên mảnh đất Cố đô và ngày càng được giới trẻ yêu thích. Giống như những môn thể thao khác, người chơi bóng rổ lý giải cho sở thích của mình là để rèn luyện sức khỏe, nhưng có một điểm họ đánh giá kỳ lạ là nếu tập thử sẽ mê. Hồ Phan Thị Uyên Nhi, học sinh lớp 10, Trường THPT Hai Bà Trưng kể: “Tình cờ thấy mọi người chơi, em tập thử rồi mê luôn. Hơn một tháng nay, chiều nào em cũng đến tập. Mấy anh hướng dẫn cho em từng động tác nên chừ em đã biết ném và dẫn bóng rồi”.
Một buổi chiều trong tuần, chúng tôi đến sân bóng rổ Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi và bất ngờ khi thấy nhiều em nhỏ đến tập luyện sau giờ học tại trường. Quan sát Hồ Nguyễn An Nhiên, học lớp 4, Trường Tiểu học Vỹ Dạ dẫn và ném bóng, cứ 5 quả thì em đã ném “lọt rổ” hết 3 khiến người xem ngỡ ngàng. An Nhiên chia sẻ: “Anh trai tập và dẫn em đi theo từ đó em đam mê”.
Ông Nguyễn Bá Ninh, người có hơn 15 năm dạy bóng rổ chia sẻ, giới trẻ hiện nay mê bóng rổ, không chỉ ở lứa tuổi học sinh cấp 3, sinh viên cao đẳng, đại học mà ngay cả những em nhỏ chỉ mới 8-9 tuổi cũng rất thích. Quá trình huấn luyện, thầy Ninh nhìn nhận trên sân tập của mình, có đến 70-80% học sinh tiểu học và trung học cơ sở tập luyện. “Độ tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở thường do phụ huynh định hướng để các em chơi, nhưng để minh chứng cho niềm đam mê, thì quá trình gắn bó tập luyện của các em là ví dụ rõ nhất. Nếu các em không thích thì tập vài tuần sẽ nghỉ ngay”.
Lan tỏa
Khoảng những năm 2000, bộ môn bóng rổ xuất hiện ở Huế trên sân số 1 Lê Lợi. Năm 2005 là thời điểm lượng người tập luyện đông nhất trong cả giai đoạn (625 người). Thầy Ninh kể: “Khi đó, ở Huế chỉ có một sân tập nên dễ biết được số lượng. Người chơi đam mê, tạo điều kiện cho các CLB ra đời, nhiều trường học ở Huế cũng làm sân bóng rổ. Bây giờ, trong phạm vi TP Huế có đến 17-18 sân, chứng tỏ sự phát triển của bộ môn thể thao này”.
Bé An Nhiên tập luyện ở sân bóng Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi
Phong trào chơi bóng rổ ở Huế “cùng nhịp đập” với sự phát triển của trào lưu chơi bóng rổ Việt Nam. Theo các bạn trẻ chơi bộ môn thể thao này, từ khi Huế có một thành viên được lọt vào đội tuyển đội bóng SaiGon Heat (đội bóng rổ chuyên nghiệp có tiếng của Việt Nam) tham gia giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á thì phong trào này càng trở nên “hút” giới trẻ. Phạm Tấn Hoàng Nguyên (sinh năm 1991, vận động viên đội bóng SaiGon Heat) chia sẻ: “Trước đây mình là học sinh Trường THPT Quốc Học. Vào TP Hồ Chí Minh học đại học Kinh tế, mình thường xuyên tập luyện và dự thi khi họ tuyển chọn vận động viên. May mắn qua 4 vòng, 160 thí sinh chỉ lấy 10 người, mình đã được chọn. Năm đó thi giải của Đông Nam Á, đội giành giải 3. Năm 2015, ra Huế và biết người chơi bóng rổ ở Huế rất nhiều, mình thường xuyên đứng ra tổ chức các giải đấu giao lưu và nhận thấy triển vọng của phong trào chơi bóng rổ ở Huế”.
Sự ra đời của các CLB là “lời khẳng định” bước tiến của phong trào chơi bóng rổ của giới trẻ tại Huế. Hiện nay, có khá nhiều CLB bóng rổ của lứa tuổi học sinh, sinh viên đang hoạt động, tiêu biểu, như: CLB Trường đại học Y Dược, CLB Trường THPT Hai Bà Trưng, CLB Trường THPT Quốc Học, CLB Trường THPT Nguyễn Huệ,… Phan Thị Thùy Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm CLB Bóng rổ Trường đại học Y Dược Huế cho biết: “Em đi thực tập ở Đà Nẵng nên mới giao lại cho các bạn quản lý đội bóng. Ở trong đội của em có khá nhiều bạn không biết gì về bóng rổ vẫn đăng ký tập luyện và hiện tại đã chơi tốt, kể cả nam lẫn nữ. CLB thuê sân ở Trường THPT Hai Bà Trưng, tập luyện mỗi buổi chiều trong tuần, thu hút đông các thành viên. Điều thú vị là, có những người chiều cao rất khiêm tốn vẫn say mê và đăng ký gia nhập vào câu lạc bộ để tập luyện và chơi tốt môn thể thao này”.
Phó Chủ nhiệm CLB bóng rổ Trường THPT Nguyễn Huệ - Thái Hoàng Hưng cho rằng, tăng chiều cao chỉ là một phần nguyên nhân “kích thích” giới trẻ đến với môn thể thao này, đam mê mới chính là yếu tố quan trọng. Như cá nhân Hưng, say mê tập luyện giúp em từng được chọn tham gia đội tuyển của tỉnh thi đấu giải bóng rổ Hội khỏe Phù Đổng khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và giành được huy chương bạc năm 2008.
Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC