Biến động

Giá dầu quốc tế phiên 29/3 giảm 3%, cho thấy giới đầu tư lo ngại đà phục hồi từ mức đáy 12 năm trong tháng 2 vừa qua đang suy yếu dần, khi mà thị trường vẫn lo ngại tình trạng dư thừa lượng dầu lưu kho trong khi nhu cầu không thể theo kịp.

Chốt phiên, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5/2016 giảm 1,11 USD (2,8%) xuống còn 38,28 USD/thùng, mức thấp nhất từ ngày 15/3.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng có tình trạng tương tự khi giảm 1,13 USD, xuống còn 39,14 USD/thùng.

Theo Bloomberg, việc Kuwait và Arab Saudi – những nước đứng đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ngày 29/3 quyết định khởi động lại hoạt động sản xuất tại giếng dầu Khafji với công suất 300.000 thùng/ngày, vốn đã ngưng hoạt động từ tháng 10/2014 khiến giới đầu tư lo ngại và ồ ạt bán tháo, giữa thời điểm đang có đề xuất giới hạn sản lượng.

Dàn khoan dầu ở Biển Bắc. Ảnh: Theguardian

Ngày 17/4 tới tại Doha, các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ tổ chức cuộc họp bàn về việc đóng băng sản lượng. Tuy nhiên, với đà tăng của lượng dầu lưu kho và những dấu hiệu cho thấy nguy cơ mất thị phần của một số nước thành viên OPEC, nhiều dự đoán phiên họp sẽ không thể giúp đẩy tăng giá dầu.



Nhiều khó khăn cho nhà sản xuất

Năm 2015, giá dầu Brent tại thị trường London giảm về mức trung bình 54 USD/thùng, từ mức khoảng 99 USD/thùng một năm trước đó. Việc giá dầu giảm sâu buộc các công ty năng lượng toàn cầu phải hạ thấp giá trị tài sản, chứng kiến lợi nhuận giảm sút, và phải cắt giảm các kế hoạch đầu tư cơ bản.

Trang Wall Street Journal cho biết, tính đến tháng 2/2016, các công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc bao gồm PetroChina, China Petroleum & Chemical Corp và CNOOC thông báo lợi nhuận hoặc doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2015 đều đã giảm mạnh.

Theo tin từ Bloomberg, dưới sức ép của sự lao dốc giá dầu thô, lợi nhuận ròng năm 2015 của PetroChina - công ty dầu khí quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, đã giảm 67% xuống còn 35,5 tỷ NTD (tương đương 5,46 tỷ USD) từ mức 107 tỷ NTD năm 2014 - mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Trong khi đó, tập đoàn dầu khí quốc doanh hàng đầu của Brazil Petrobras hồi cuối tháng trước công bố mức thua lỗ hàng quý lớn chưa từng có, cũng bắt nguồn từ việc giá dầu giảm sâu, đồng thời hạ thấp giá trị nhiều tài sản, trong đó có một loạt mỏ dầu. Theo công bố của Petrobras, tập đoàn này đã lỗ ròng 36,9 tỷ real, tương đương 10,2 tỷ USD trong quý 4/2015. Mức lỗ này cao hơn dự báo của giới phân tích và là mức lỗ quý lớn kỷ lục của Petrobas, tăng 48% so với mức lỗ cùng kỳ năm 2014.

Các công ty dầu lửa cũng không còn muốn tìm mỏ mới - một dấu hiệu cho thấy việc giá dầu giảm sâu đã thay đổi những ưu tiên của ngành công nghiệp năng lượng, do các công ty muốn giảm đầu tư vào hoạt động thăm dò để tối đa hóa lợi nhuận.

Ông Luca Bertelli, Giám đốc phụ trách thăm dò của hãng dầu lửa Italy Eni nói rằng, với giá dầu thấp như hiện nay, các công ty dầu lửa cảm thấy việc đầu tư vào hoạt động thăm dò các mỏ mới nhằm làm đầy trữ lượng “không quan trọng bằng” việc hạn chế chi phí bỏ ra, giảm thiểu những ảnh hưởng đến nguồn lợi nhuận vốn đã rất hạn hẹp, tờ WSJ đưa tin. Theo đánh giá, điều này có thể bắt nguồn cho một số rủi ro, khi việc cắt giảm đầu tư vào các dự án mới có thể dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung dầu và giá dầu sẽ có sự đột biến trong tương lai.

Tăng nguy cơ phá sản

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu lo ngại về các khoản vay của các tập đoàn dầu mỏ, khi lợi nhuận của nhóm công ty này sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí thua lỗ. Trang Bloomberg cho biết, giám đốc điều hành cấp cao của các công ty như Tullow Oil PLC và Cairn Energy PLC đã có cuộc họp với các ngân hàng của họ để đánh giá lại các khoản vay, cân nhắc khả năng cho phép họ tiếp tục được giải ngân phần vốn duy trì hoạt động và xây dựng một số dự án mới tiềm năng.

Nhiều công ty châu Âu đã có những kinh nghiệm đau thương khi các ngân hàng chủ nợ của họ siết chặt chính sách cho vay do gia tăng lo ngại các khoản nợ của nhóm công ty này sẽ ngày càng “phình to”, khi các công ty dầu hầu như kiếm được rất ít lợi nhuận hoặc gần như không có.

Các cuộc rà soát mới này của các ngân hàng ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh các khoản nợ của các công ty dầu bắt đầu lờ mờ nổi lên như một vấn đề đáng ngại trên toàn thế giới, với giá dầu thô chỉ đạt mức gần 40  USD/thùng, giảm xuống hơn 60% kể từ tháng 6/2014. Trên toàn cầu, nợ ròng của các công ty dầu khí niêm yết công khai cao gần gấp 3 lần trong thập kỷ qua, lên đến 549 tỷ USD trong năm 2015, bao gồm cả những công ty dầu mỏ nhà nước, Bloomberg ngày 29/3 dẫn nguồn tin từ Wood Mackenzie - công ty tư vấn năng lượng cho biết.

Tình hình ảm đạm này càng rõ nét khi trong tháng 2 vừa qua, First Oil Expro - một chi nhánh của nhà sản xuất dầu mỏ sở hữu tư nhân lớn nhất Biển Bắc, nộp đơn phá sản ở Mỹ, khi không thể đáp ứng được chi phí cổ tức và không thể theo kịp các đợt thanh toán cho các khoản vay vượt quá 150 triệu USD.

“Vấn đề quan trọng trong sự sụp đổ đầu tiên của First Oil Exp chính là sự sụt giảm mạnh của giá dầu đã dẫn đến một sự mất mát đáng kể lòng tự tin cho các công ty trong ngành,” Jim Tucker, nhà quản trị của First Oil Expro cảnh báo.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Bloomberg, WSJ & Reuters)