“Nhớ anh” - Đặng Mậu Tựu
Cuộc du ca sắc màu bắt đầu từ những ý tưởng gợi nhớ về Trịnh Công Sơn của nhóm họa sĩ Huế nhân ngày mất của ông. Và những sắc màu thực sự bay bổng khi họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn đăng cai ngay tại xưởng vẽ của anh, từ khâu khung, toan, màu đến tiệc liên hoan mừng ngày đầu tiên của cuộc rong chơi ấy đều được anh lo một cách kỹ càng như một trại sáng tác, mà cũng có thể gọi đây là trại sáng tác của những người yêu Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông.
Qua gần một tháng tham gia sáng tác, các họa sĩ đã cho ra đời gần 30 tác phẩm vẽ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cảm hứng từ những ca khúc của ông trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, Acrylic và sắp đặt.
“Mưa hồng” - Đặng Mậu Tựu
Đầu tiên phải kể đến những tác phẩm thấp thoáng ẩn hiện hình bóng, gương mặt thân quen của Trịnh trong cõi riêng âm nhạc của ông, đó là nỗi nhớ trong tác phẩm “Nhớ anh”, “Người du ca”của họa sĩ Đặng Mậu Tựu; Chân dung Trịnh Công Sơn - Vũ Duy Tâm và bức chân dung Trịnh Công Sơn được các họa sĩ vẽ chung. Và cuộc rong chơi sắc màu ấy, mỗi ca từ trong nhạc Trịnh đã thấm vào tranh, thẳm sâu với những triết lý trong ca từ và tình khúc của Trịnh, hội họa và âm nhạc quyện vào nhau trong từng ca từ và mỗi nét cọ.
“Môi hồng đào” - Nguyễn Quốc Sơn
Những ca từ của Trịnh đã thật sự bay nhảy trên mỗi nét màu, và chủ đề của mỗi tác phẩm; “Ta phải thấy mặt trời sáng trên quê hương này đầy loài người/ ta phải thấy một ngày/ ngày dân ta đi lên giành lấy hoà bình”, hay “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”, “Đường phượng bay mù không lối vào”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã cho ra đời tác phẩm “Ta đã thấy mặt trời”, “Diễm xưa”, “Mưa hồng”; và họa sĩ Nguyễn Ánh Dương với “Mưa vẫn mưa bay”, “Thà làm hạt mưa”; họa sĩ Đặng Mậu Triết với “Như cánh vạc bay”; Huỳnh Thị Tường Vân với “Chiều chủ nhật buồn”; “Cúi xuống thật gần” của họa sĩ Phạm Trinh và “Dấu chấm hỏi” của họa sĩ Nguyễn Đình Dàng.
“Cúi xuống thật gần” - Phạm Trinh
Cùng trong dòng cảm xúc đó, và với cái nhìn chờ đợi, ngóng trông của quá khứ, hiện tại và tương lai khi ta vẫn là cái bóng của chính mình như ca từ của Trịnh “Mùa xuân đã đến em hãy quay về/ Rừng xưa đã khép em hãy ra đi”, họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn đã đứng lại ngắm nhìn những ký ức mở ra rồi đóng lại trong tác phẩm “Rừng xưa đã khép” và “Hoa vô thường” của anh. Trong chuỗi cảm xúc đó, họa sĩ Trần Xuân Minh đã vẽ nên một cuộc rong chơi đầy hư ảo trong miền sương khói của Trịnh với tác phẩm “Chỉ có ta trong đời”, cuộc rong chơi như Trịnh đã vẽ “Đời vẽ tôi tên mục đồng/ rồi vẽ thêm con ngựa hồng…/ Đời vẽ tóc em thật dài/ rồi vẽ môi thơm nụ cười/ từ đó thiên hạ vui tươi…”; họa sĩ Nguyễn Quốc Sơn với “Môi hồng đào”, “Bên đời hiu quạnh”; họa sĩ Minh Thi với “Những giọt máu trổ bông”, họa sĩ Văn Vĩnh với “Về soi bóng mình” và tác phẩm sắp đặt “Du ca” được họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật in những ca khúc và dòng chữ viết tay của nhạc sĩ trịnh Công Sơn lên cây đàn guitar và được đặt dưới chiếc cổng mở ra, xin mời hãy bước vào và du ca cũng những thanh âm trầm bổng mênh mang trong cõi Trịnh.
Với nhiều góc độ, nhiều cái nhìn khác nhau và cảm nhận khác nhau về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông, các họa sĩ đã gợi lên những sắc màu nhớ nhung, bâng khuâng, và cả tiếng thở dài trong sâu thẳm lòng người, của mỗi bước chân đi, trở về từ ký ức xa xăm…
Bài, ảnh: BẰNG THUẬN