Logo của IMF tại trụ sở chính ở thủ đô Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: AFP 

"Chính sách tài chính có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích sự đổi mới thông qua ảnh hưởng của chúng vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D), tinh thần kinh doanh và chuyển giao công nghệ", IMF cho biết trong một báo cáo trước thềm một cuộc họp sắp được tổ chức ở Washington trong tháng 4.

Trong số các khuyến nghị của mình, IMF cho rằng các doanh nghiệp của những nền kinh tế tiên tiến nên đầu tư nhiều hơn trung bình 40% trong R&D so với mức hiện tại họ đang làm, để có thể làm tăng tổng sản phẩm trong nước lên 5% và lần lượt thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ.

Đổi mới cũng là một cách để nâng cao năng suất giữa lúc lo ngại rằng, "nền kinh tế toàn cầu có thể bị mắc kẹt trong một thời kỳ tăng trưởng quá bình thường", báo cáo cho hay.

"Tăng trưởng chậm trong năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là đặc biệt đáng lo ngại", báo cáo nhấn mạnh, đồng thời nhận định một phần của sản phẩm đầu ra không thể được giải thích bởi số lượng đầu vào, điển hình là lao động và nguồn vốn được sử dụng trong sản xuất.

Tăng trưởng chậm trong TFP "giải thích một phần quan trọng của sự suy giảm tổng thể tiềm năng tăng trưởng kể từ đầu những năm 2000 ở các nền kinh tế tiên tiến và gần đây hơn là ở các nền kinh tế thị trường mới nổi", IMF cảnh báo và kêu gọi cải cách cơ cấu trong thị trường lao động và sản phẩm.

Theo số liệu của IMF, chỉ có 13 quốc gia có R&D trên 2% GDP là Úc, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Phần Lan, Đức, Iceland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ và Guyane thuộc Pháp, một tỉnh hải ngoại của Pháp nằm ở bờ bắc châu Nam Mỹ.

Các chính sách về mục tiêu ngân sách có thể giúp bù đắp thời kỳ tăng trưởng kinh tế yếu kém khi các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tài chính, Quỹ Tiền tệ Quốc tế khẳng định.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP & Breitbart)