Lời Bác “thấm từng tiếng” giản dị, gần gũi  

Khôi đang điều trị bệnh nhân ở Khoa Ngoại. Tôi ngồi đợi trước cửa văn phòng Đoàn trường Đại học Y Dược Huế. Phải một lúc thật lâu, mới vang lên tiếng bước chân mạnh mẽ. Một nụ cười thật tươi: “Khi được khen thưởng, em đang là sinh viên. Dù chưa trở thành bác sĩ, em và các bạn cũng đã “thấm” lời căn dặn của Bác: “Thầy thuốc phải thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô các chú; Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ của đồng bào”. Lời căn dặn giản dị, gần gũi, vẹn nguyên sức lay động tâm hồn, tình cảm mỗi người, dù qua từng thế hệ. Chàng sinh viên y khoa Nguyễn Văn Khôi đem tình cảm, tâm huyết đó vào công việc, đã không biết bao nhiêu lần chia sẻ những giọt máu vô cùng quý giá của mình, để tái sinh một cuộc sống. Anh hăm hở tham gia nhiều chiến dịch hè khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân tại Avao, Đắc Krông (Quảng Trị), Salavan (Lào), Aroàng (A Lưới). Để rồi, theo anh đến bây giờ là nỗi xúc động đến trăn trở: “Có nơi, hai ngày mới có nước một lần. Điện chập chờn. Chỉ có một máy điện thoại duy nhất ở trung tâm xã. Không có sóng điện thoại di động. Người dân chủ yếu là lao động chân tay nên thường mắc bệnh xương khớp. Vệ sinh không đảm bảo khiến nhiều người mắc bệnh tiêu hóa và là “mồi ngon” của bệnh dạ dày vì thói quen ăn cay và uống rượu. Ở xa xôi heo hút, có người đi 4 ngày đường mới tới được địa điểm khám. Rất nhiều người (có cụ ông cụ bà đã 60-70 tuổi) lần đầu tiên trong đời được khám bệnh!” Khôi và đồng nghiệp quên cả bữa trưa, tiết kiệm từng chút thời gian, để tất cả những người đang chờ đợi đều được khám, phát thuốc và được nhận những lời chỉ dẫn, dặn dò.
Cũng như Khôi, trong bầu nhiệt huyết cô giáo trẻ Nguyễn Hữu Thụy Nhi thấm đẫm lời giản dị mà sâu sắc của Bác “dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt, “trồng người” vì lợi ích trăm năm”. Do đó, khi được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Hương Thọ, địa bàn khó khăn nhất của huyện Hương Trà, Nhi xác định ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có rất nhiều nhiệt tình.

Học trò ở đây ít được tiếp cận với cái mới, với hoạt động bên ngoài, những điều kiện khác, do đó năng lực nhiều em còn yếu. Cô giáo dạy nhạc Thụy Nhi miệt mài tìm tòi nhiều phương pháp, tìm thêm thông tin tư liệu đưa về cho các em, sử dụng các nhạc cụ một cách thuần thục trong giảng dạy, để các em dễ dàng tiếp thu tốt nội dung bài học, thổi vào tâm hồn các em những cảm xúc trong trẻo.
Giờ chơi, các cô cậu học trò gương mặt rạng rỡ, những bước chân chạy nhảy náo nức. Cạnh gốc cây trong sân trường, một cô học trò với chiếc lá trong tay. “Nhỏ Y là học trò em chủ nhiệm năm ngoái. Mặc cảm hoàn cảnh khó khăn, cô bé bỏ học. Nhiều lần em tìm đến nhà gặp gỡ, tâm sự, thuyết phục, cùng với sự giúp đỡ của trường, lớp, Y trở lại đi học. Được lên lớp.” Tung chiếc lá lên bầu trời xanh, cô học trò dõi theo với ánh mắt lấp lánh. Tôi cảm nhận, rõ ràng, các em vui, hạnh phúc vì được đến trường. Ở đó, có những người mẹ hiền tận tụy thứ hai, truyền đạt đến các em kiến thức khoa học, niềm tin và lẽ sống, để các em trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
“Trồng” những mùa xuân
Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã gắn người cảnh sát khu vực Nguyễn Văn Hải (nay là Phó Trưởng công an phường Phú Hòa) với cuộc sống những người dân xóm nghèo khu vực bờ thành Phan Đăng Lưu và bờ hồ Trần Hưng Đạo. Phần lớn, họ là những người buôn thúng bán bưng, đạp xích lô xe thồ, thậm chí thất nghiệp sinh ra rượu chè say xỉn, phạm tội. Bao năm qua, anh Hải dồn hết tâm huyết, cần mẫn, tận tụy, xắn tay cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, để cuộc sống người dân trên địa bàn ổn định, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế đến thấp nhất vi, tái phạm của đối tượng và thanh, thiếu niên hư, tạo công việc và cải thiện môi trường sống cho người dân. Từ tham mưu, tâm huyết của người công an khu vực, tổ tự quản bốc vác Trần Hưng Đạo được thành lập, trong đó có 20 người độ tuổi thanh niên không có việc làm (trong đó, 10 đối tượng đi tù hoặc ở cơ sở giáo dục về). Có “cần câu” kiếm sống, lại được nhận một niềm tin, 10 đối tượng này tiến bộ hẳn. Một người vững bước trên con đường thiện, người cảnh sát khu vực hạnh phúc như “trồng” được một mùa xuân.
Tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn tỉnh có 2 tập thể và 15 cá nhân được Ban chỉ đạo Trung ương khen thưởng. Trong đó có Nguyễn Văn Khôi, sinh viên trường Đại học Y Dược Huế, Nguyễn Hữu Thụy Nhi, giáo viên Trường THCS Hương Thọ và Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng công an phường Phú Hòa.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hàn là một trong những “mùa xuân” đó. Chiều, vợ chồng anh Hàn đều ở nhà. Quà mời khách là chén trà nóng hổi cùng những nụ cười tươi rói. Chị Nở, vợ anh Hàn phấn khởi: “Tui bán hết mít, vừa về. Ba tụi nhỏ mới chạy xong cuốc xe. Có ai gọi, mình chạy tiếp”. Vợ chồng anh Hàn không ngại nhắc chuyện xưa: “Trước, tui dính nhiều “món” lắm. Rượu chè bê tha sinh tật xấu. Bị giáo dục tại cộng đồng cũng có, ra đồn “nằm” cũng có… Nhờ anh Hải vừa kiên quyết răn đe vừa kiên nhẫn thuyết phục, giúp đỡ, tui sáng ra. Từ ngày được vô tổ tự quản bốc vác, rồi chạy xe thồ, kiếm được đồng tiền từ mồ hôi sức lực của mình, tui ham công ham việc, mười mấy năm nay không say xỉn, phụ vợ làm ăn nuôi con. Chừ, 3 đứa con đều đi học, nhà cũng có ti vi, loa máy…” Chị Nở chen ngang lời chồng: “Hồi tê đã cực rồi chồng say xỉn, thế này thế nọ, đến bữa, cơm chan với nước mắt. Giờ, vợ chồng tui nhà cửa còn chật chội, tài sản cũng chỉ mới chút đỉnh, nhưng, giàu có sự êm ấm, thanh thản”. Anh kể chuyện thằng em ruột là Nguyễn Văn Bảo, trước cũng rượu chè say xỉn như mình. Rồi cũng được anh Hải “theo sát”, nay đã thành người tử tế, lại là dân phòng, bảo vệ của phường, góp phần bảo vệ trật tự trị an tại địa phương: “Không chỉ mình anh em tui, hàng chục người có hoàn cảnh như tui trong khu vực này đều được anh Hải tận tâm giúp đỡ, cảm hoá như vậy. Anh Hải tận tụy với công việc, với người dân nhiều lắm. Cây cầu bê tông bán vĩnh cửu bắc bên này bờ hồ qua bên kia bờ thành hơn hai chục năm nay, cũng là tâm huyết của anh Hải, để người dân cất đi nỗi nguy hiểm và bất tiện khi qua dòng Ngự Hà mùa mưa gió. Sau này, dù cây cầu không còn, nhưng trong lòng người dân nơi đây vẫn còn mãi một cây cầu mang tên “cầu Ông Hải.””

Quỳnh Anh