Tết này, chúng ta mừng người con quê hương tròn trăm tuổi đời, 75 tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng - là bậc lão thành cách mạng hiếm có của đất nước quê hương còn sống qua bao biến thiên của lịch sử một thế kỷ.

Sinh năm 1912 trong một gia đình nông dân nghèo làng Phú Ninh (Phong An, Phong Điền) từng vất vả trong lao động, học tập, khó khăn sau những năm mò mẫm đi tìm bắt liên lạc với Đảng, ông Hoàng Anh trở thành một cán bộ lãnh đạo tài năng, trí tuệ của tỉnh nhà và của đất nước qua các chặng đường lịch sử thử thách, vinh quang của dân tộc.
 
Sau những năm bị giam cầm trong nhiều nhà tù của đế quốc, như: Thừa Phủ, Lao Bảo, Ban Mê Thuột, Căng Đắc Min, Căng Đắc Tô..., đầu tháng 5/1945 ông ra tù tham gia chuẩn bị và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhớ lại hội nghị đầm Cầu Hai lịch sử và công tác chuẩn bị giành chính quyền, bảo đảm chiến lược, sách lược của Đảng trong Cách mạng Tháng 8 chúng ta đều tự hào về vai trò Tỉnh uỷ Thừa Thiên và Việt Minh Nguyễn Tri Phương lúc bấy giờ. Giờ đây chỉ còn lại một nhân vật chủ chốt của Thường vụ Tỉnh uỷ, của Uỷ ban khởi nghĩa và của chính quyền cách mạng đầu tiên của Thừa Thiên Huế, đại biểu Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là ông Hoàng Anh.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, ở chiến trường Bình Trị Thiên đau thương và anh dũng, thôi thúc lòng người cả nước: “Đồng bào ơi! Cùng Bình Trị Thiên đứng lên!”, ông Hoàng Anh là Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Mặt trận Bình Trị Thiên. Phong trào kháng chiến vượt lên gian nan ở chiến trường địch hậu, phát triển mạnh mẽ, chiến công vang dội trên chiến trường Bình Trị Thiên của quân dân ta, trong đó có vai trò của lãnh đạo, chỉ huy và các ông lãnh đạo chủ chốt như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh...
 
Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2/1951, ông Hoàng Anh là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 4/1951, ông được chuyển ra công tác Liên khu 4, Bí thư Liên khu uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 4 gồm các tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh, Bình-Trị-Thiên, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến.
 
Trước khi ra công tác ở vùng tự do, ông Hoàng Anh viết: “Từ mảnh đất tôi được sinh ra và lớn lên, đã từng với đồng bào, ông chiến đấu trong những năm dài gian khổ, khó khăn, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động nghĩ đến những đồng bào, ông đã mất đi, nghĩ đến những gian khổ hy sinh mà quân dân Bình Trị Thiên phải vượt qua”.
 
Ông Hoàng Anh gặp và cùng hoạt động với ông Nguyễn Chí Thanh từ đầu năm 1937, cùng nhau gian khổ trong các nhà tù đế quốc, lãnh đạo Cách mạng Tháng 8 và kháng chiến ở quê hương. Hoàng Anh ghi nhận Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng về người cán bộ lãnh đạo của Đảng và cảm thấy vinh dự: “Tôi may mắn được kế tục công việc của anh Thanh nhiều lần, thay anh làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên khi anh ra làm Bí thư Phân khu, thay anh làm Bí thư Phân khu khi anh ra làm Bí thư Liên khu, thay anh làm Bí thư Liên khu, khi anh ra làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và cuối cùng thay anh làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương khi anh vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ”.
 
Sau chiến thắng xuân 1968, phong trào kháng chiến Trị Thiên Huế đang đứng trước những khó khăn cực kỳ nghiêm trọng. Ông Hoàng Anh, Bí thư Trung ương Đảng vào Trị Thiên Huế, lúc này ông đã gần 60 tuổi với tên gọi ông Hai Bình, làm Bí thư Khu uỷ kiêm Chính uỷ Quân khu Trị Thiên Huế. Ông đã cùng đồng bào, ông tham gia chống Mỹ trên đất quê hương, đẩy lùi kẻ địch, tạo thế đứng chiến trường, phát triển sôi động, thắng lợi.
 
Suốt hơn 30 năm tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951-1982) với chức danh Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ ông luôn luôn quan tâm đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chăm sóc các cháu tập kết, xây dựng hội đồng hương, kết nghĩa, tham gia tổng kết kháng chiến, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.
 
Trong công tác biên soạn bộ lịch sử Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, Thường vụ Tỉnh uỷ đã mời các ông lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ tham gia đóng góp ý kiến vào đề cương và bản thảo.
 
Một phần lịch sử, Thường vụ Tỉnh uỷ mời một ông lãnh đạo am hiểu nhất trong từng thời kỳ trực tiếp đóng góp, hoàn chỉnh bản thảo từng phần:
 
Phần I : 1930 - 1945 ông Bùi San
 
Phần II : 1945 - 1954 ông Hoàng Anh
 
Phần III : 1 954 - 1975 ông Nguyễn Vạn
 
Phần IV: 1975 - 2000 ông Vũ Thắng
 
Năm 1995, trong buổi phát hành 2 tập lịch sử Đảng bộ, ông Vũ Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ nói về sự đóng góp của các ông lão thành cách mạng, lời lẽ giản dị, chân tình: “Viết cuốn lịch sử Đảng bộ, anh Bùi San và anh Hoàng Anh từ Hà Nội đã chạy lui chạy tới tham gia với Tỉnh ủy, bày vẽ cho anh em nên kết quả rất đáng mừng”. Ông Hoàng Anh vui mừng, ghi nhận : “Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Thường vụ Tỉnh ủy, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng đã dày công sưu tầm, tập hợp và hoàn thành việc biên soạn tập lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế. Tôi rất hoan nghênh sự quan tâm chỉ đạo của Thường vụ, Tỉnh uỷ và những cố gắng không mệt mỏi của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng”.
 
 
Một nhân vật lịch sử, một người con quê hương, Tết này tròn trăm tuổi là niềm vui, niềm tự hào của quê hương, chúng ta mong cụ Hoàng Anh vượt ngưỡng cửa trăm tuổi nhiều năm nữa để sống với thời gian, với con cháu khi nước ta thành một nước công nghiệp.
 

Ngô Kha