Xuống tàu, anh vẫy một chiếc taxi. Tài xế còn rất trẻ, lễ phép hỏi: Thưa bác về mô? Lên đường Minh Mạng. Đường này ở chỗ mô bác hè? Lên Học viện Phật giáo, qua khỏi học viện là tới nhà bác.

Nghe nói Học viện Phật giáo anh chàng tài xế càng quớ. Lại lắp ba lắp bắp hỏi tiếp. Đến lúc này thì dòng sông hết phẳng lặng, nhà văn hết chịu nổi, hỏi thẳng: Cháu học hành như thế nào mà lạ rứa. Là người Huế mà không biết Học viện Phật giáo ở chỗ mô sao dám hành nghề chạy taxi?

Tôi phì cười: trách gì lớp trẻ, nhiều khi tôi cũng đã phải nổi đóa như anh. Đang ngồi uống cà phê thì “dế” rung, bạn bè cần tìm gặp. Tôi chỉ dẫn: Đang ở phố đi bộ, bên bờ sông, phía sau Trung tâm Liễu Quán. Liễu Quán ở chỗ mô hè? Ở cạnh Trung tâm Lê Bá Đảng. Ở đường chi, nhà số mấy? Trời ơi, dân Huế mà không biết Trung tâm Phật giáo Liễu Quán, không biết Trung tâm Lê Bá Đảng thì chào thua rồi.

Lần khác, tôi đang ngồi ở Hội Nhà báo, cũng gặp trường hợp tương tự. Hội Nhà báo ở mô hè? Ở cạnh Sở Giáo dục... đối diện nhà sách Phương Nam. Số mấy Lê Lợi? Nói thật với anh, nếu anh ngồi ở quán nhậu mô thì tôi cũng biết hết.

Những lúc lâm vào tình huống này tôi mất hết hứng thú, ly cà phê chỉ thấy toàn vị đắng.

Con gái tôi làm Trưởng phòng Đào tạo - Nhân sự của một khách sạn 5 sao ở TP Hồ Chí Minh. Các em đã qua đào tạo nghiệp vụ du lịch từ Huế vào xin việc. Nhưng có một sự thật phũ phàng nhiều khi phải gạt nước mắt. Mức lương của nhân viên từ Huế vào thường thấp hơn nhân viên là người tại chỗ, thậm chí nhân viên là người các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Các ông chủ doanh nghiệp trong đó thường vin vào ba lý do. Một là, giọng Huế hơi “hóc hiểm” khách nghe không rõ, khó hiểu. Hai là, không thuộc đường, rất thất thế nếu làm lễ tân hay hướng dẫn viên, kể cả làm bảo vệ. Ba là, ngoại ngữ yếu.

Không chỉ là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực, nơi tuyển chọn, cung cấp chất xám cho các trung tâm kinh tế lớn, do kinh tế phát triển đang chậm, lực lượng lao động phổ thông của Huế đang tiếp tục di cư về nhiều tỉnh, thành phố khác, phần nhiều là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Nếu không nhanh chóng khắc phục ít nhất là ba nhược điểm nói trên thì lực lượng lao động phổ thông của Huế sẽ mất năng lực cạnh tranh trên đất khách trong thời buổi thị trường lao động nguồn cung đã lớn hơn cầu.

Thanh Tùng