Chưa đồng thuận

Không phải vô cớ mà tổ trưởng TP, Bí thư Chi bộ TDP 15 cùng đồng tình với người dân trong việc không đồng ý việc cắt, đào đường kiệt để thi công tuyến ống thoát nước thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế.

Việc thi công đường ống thoát nước sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân

Trước đó, Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế đã tiến hành thi công một số đường kiệt tại TDP 16, ở đường Chế Lan Viên, gần chợ Trường An. Đáng nói là, do công nhân thỏa thuận thu tiền đấu nối của người dân khá cao và theo kiểu tự phát, có hộ vài triệu đồng, do nhà cách xa hố ga, cộng với chi phí mua ống nhựa đấu nối khiến người dân bức xúc.

Bác Đinh Văn Bá, Bí thư Chi bộ TDP 15, phường Trường An cho hay, lý do bác chưa ký vào biên bản hiện trường đồng ý cho đơn vị thi công cắt đường kiệt để thi công ống thoát nước là do chưa thỏa thuận được yêu cầu của người dân với ban quản lý dự án. “Người dân chỉ đồng tình khi được hoàn trả mặt bằng và không chịu bất kỳ chi phí nào về đấu nối”, bác Bá khẳng định.

Theo Bí thư Chi bộ TDP 15, gần như toàn bộ đường kiệt và hệ thống thoát nước thải trong tổ đều do người dân đóng góp kinh phí xây dựng và hiện tại sử dụng tốt, vì thế, không có lý do gì buộc người dân phải trả tiền để đấu nối lại đường ống mới.

Lý do khác nữa là trong quá trình quan sát việc thi công hệ thống thoát nước ở một số đường kiệt ở TDP 16, người dân TDP 15 cho rằng, chắc chắn đời sống của người dân sẽ ảnh hưởng, nhất là việc đi lại, do đó, họ chưa đồng tình.

Chứng kiến việc thi công đường ống thoát nước ở một số đường kiệt ở TDP 16 trên đường Chế Lan Viên, chúng tôi ghi nhận phản ảnh của người dân là có cơ sở, trong đó việc giao thông đi lại, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

Về việc công nhân thu tiền của người dân hay buộc người dân mua ống nước để đấu nối về cơ bản là có, song có nhiều thông tin chưa chính xác.

Cần tăng cường tuyên truyền, họp dân

Sau khi có phản ánh của người dân về việc công nhân thi công ống nước thu tiền của người dân và bắt người dân tự mua ống nước để đấu nối, tổ trưởng TDP 16, bà Nguyễn Thị Thảnh cùng với UBND phường Trường An yêu cầu công nhân trả lại một phần tiền cho những hộ thu khá cao so với mặt bằng chung.

Theo bà Thảnh, chỉ một vài hộ phải trả chi phí khá cao để đấu nối đường ống và mua ống nước do nhà ở xa hố ga. Còn lại bình quân mỗi hộ tốn khoảng vài trăm ngàn đồng để đấu nối.

Bà Thảnh cho rằng, việc này là do thỏa thuận của người dân với công nhân các đơn vị thi công, chứ không phải do Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế quy định, bắt buộc.

Điều này cũng được bà Đỗ Thị Thanh Mai, Chủ tịch UBND phường Trường An xác nhận. Bà Mai cho hay, chính quyền đã có văn bản gửi Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế để chấn chỉnh những tồn tại.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế khẳng định, theo quy định, công nhân các đơn vị thi công không được nhận bất kỳ thỏa thuận, hợp đồng đấu nối  cho người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhiều hộ dân muốn thuê công nhân đấu nối luôn cho tiện nên một số anh em công nhân đã nhận làm mà không thông qua ban quản lý. Việc này, Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế đã họp các đơn vị thi công và quán triệt tinh thần, chỉ được nhận thi công sau khi đã có dự toán bảng giá chi tiết các chi phí trực tiếp, từ cắt, đào, đấu nối đường ống nhà dân đến đường ống chung.

Ông Trần Quốc Khánh khẳng định, việc đấu nối là trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Nhà nước chỉ đầu tư và hoàn trả mặt bằng đúng trong phần của dự án, chứ không chịu kinh phí sau đấu nối. Kinh phí đó, người dân phải cùng với Nhà nước để thực hiện. Điều này cũng đã được UBND tỉnh quy định bằng văn bản cụ thể. “Tất nhiên, người dân có thể từ chối hoặc không đấu nối vào đường ống chung. Song, điều đó chỉ người dân thiệt thòi, vì sau khi dự án hoàn thành, sẽ không cấp phép để cắt đường cho bất kỳ hộ dân nào muốn đấu nối. Hơn nữa, Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế thực hiện không chỉ vì mục đích thoát nước thải, mà còn thu gom toàn bộ nước mưa, phấn đấu đến năm 2018, khi hoàn thành sẽ thu gom khoảng 80% nước mưa, nước thải trên địa bàn TP Huế, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng cục bộ, tắc nghẽn, ứ đọng nước mưa trên địa bàn”.

Vì lý do đó, ông Trần Quốc Khánh mong muốn, người dân cùng chung tay cùng với ban quản lý thực hiện thành công dự án. “Sắp tới, cụ thể là sau Festival Huế 2016, việc triển khai thi công đường ống thoát nước mưa, thải sẽ còn diễn ra rầm rộ hơn, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ 200 km đường ống thoát nước, do đó, cần sự đồng thuận từ phía người dân. Quá trình thi công sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, đi lại của người dân, nên chúng tôi mong, người dân ủng hộ và chịu khó, chịu khổ một thời gian đến khi kết thúc dự án”.

Ông Khánh giải thích thêm, trước khi tiến hành thi công đều có thông báo về các khu vực, các phường. Tuy thế, đôi lúc, đôi nơi, việc họp dân để thông báo chưa được chính quyền triển khai tốt nên mới xảy ra tình trạng như ở TDP 15.

Bài, ảnh: Tâm Huệ