Tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng trong BLHS năm 1999 quy định với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Người phạm tội trong khung hình phạt này thường lường trước tính chất, mức độ phạm tội của bản thân và biết mình có thể bị án tử hình nên họ thường cam lòng “hy sinh đời bố” để “củng cố đời con”. Và trên thực tế, họ tìm mọi cách che giấu tài sản do phạm tội mà có, nên việc thu hồi tài sản đó rất khó khăn, thường là không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít, mục đích lấy lại tiền của của dân, của nước không đạt. Để khắc phục những hạn chế này, BLHS mới quy định đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ. Nghiêm trị loại tội này ngoài mục đích răn đe, phòng ngừa thì mục đích cuối cùng là làm sao thu hồi được tài sản của dân, của nước đã bị chiếm đoạt. Quy định mới này góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế và là chính sách khuyến khích người phạm tội tự giác giao nộp tài sản bị tham nhũng, đồng thời góp phần đạt được mục đích trên.

BLHS mới cũng truy đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn, điều 28 đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (khoản 3 và khoản 4 của các điều 353, 354 BLHS). Như vậy, kể từ ngày BLHS mới có hiệu lực pháp luật thì tội phạm tham ô, nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, những con sâu chuyên đục khoét, hại dân, hại nước không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” như trước đây được nữa, và nguy cơ bị các cơ quan pháp luật hỏi đến chưa biết khi nào, điều đó đã góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả.

BLHS 1999 chưa quy định những hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là có tội, mà thực tế việc tham nhũng trong các doanh nghiệp này là rất lớn, thì BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi một số tội tham nhũng cũng như một số tội thuộc Chương XXIII. Các tội phạm về chức vụ ra cả khu vực tư (ngoài Nhà nước). Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ theo quy định tại các điều 353, 354 của BLHS. Ngoài ra, người có hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước thì cũng bị xử lý về tội đưa hối lộ hoặc tội môi giới hối lộ theo quy định tại các điều 364, 365 của BLHS. Quy định này nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời, cũng để thực thi Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc mà nước ta là thành viên.

Mục đích của loại tội phạm này là mưu cầu cuộc sống sung sướng nên những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước và kể cả ngoài Nhà nước muốn có nhiều tiền, bằng cách biến tài sản của nước, của dân, của tập thể thành của riêng mình. Tuy nhiên, là con người, khi đã lầm lỗi và phải lâm vào vòng lao lý, đứng trước sự sống và cái chết theo phán quyết của Tòa án, ai cũng phải cân nhắc, nếu nộp tài sản đã tham ô, hối lộ cho Nhà nước cũng bị tử hình (BLHS 1999) thì thà cam tâm chịu chết để tài sản đó lại cho vợ con được hưởng. Nhà nước thấy được thực tế đó nên đã mở con đường sống cho những người biết ăn năn, hối cải, biết khắc phục hậu quả mà mình gây ra. Do đó, quy định như trên mang tính thực tiễn, vừa thu hồi được tài sản cho dân, cho nước, vừa cứu được một mạng sống con người, nó còn mang tính nhân văn phù hợp với xu thế của thời đại.

Hồ Viết Tư