Theo ghi nhận, tại cầu An Cựu vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối, người dân lại tụ tập hai bên thành cầu để buôn bán. Buổi sáng là các mặt hàng như cá, trái cây, rau củ quả… Buổi chiều, tối là hoa quả, những món đồ ăn vặt như đậu, bắp, xôi, khoai sắn… Lúc đầu, một, hai người buôn bán, dần dần những người khác cũng làm theo.

Người dân vẫn tận dụng cầu Bến Ngự làm nơi buôn bán dù đã gắn biển cấm. Ảnh: Anh Phong

Những lúc trật tự đô thị của phường đi kiểm tra, khi nghe tiếng còi báo động, những người bán hàng hớt hả bưng đồ đạc chạy đi. Vì những mặt hàng không nặng nên họ dễ dàng xoay sở và di chuyển đến nơi trốn. Khi lực lượng kiểm tra đi khỏi, họ lại ùa ra chỗ cũ để tiếp tục bán.

Một người phụ nữ bán trái cây trên cầu cho biết: “Cấm thì cấm thế thôi, nhiều người ở đây vẫn bán hàng. Cũng có lúc bị phạt mấy chục đến mấy trăm nghìn đồng,  nhưng vì miếng cơm manh áo thì biết phải làm sao…’’.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một điều đáng phải lo ngại. Xe cộ lưu thông khá nhiều, lượng khói bụi thải ra khi qua cầu ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng, nhất là những đồ ăn uống.  Trong khi đó, lượng rác thải ra tại cầu cũng khá lớn, làm mất cảnh quan đô thị cũng như  ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Không chỉ cầu An Cựu mà nhiều cây cầu khác trong thành phố như Bến Ngự, Kho Rèn, Phủ Cam…, người dân vẫn tận dụng làm nơi buôn bán.

Huế là thành phố văn hóa, du lịch nổi tiếng của cả nước, những hình ảnh như vậy không chỉ gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, giao thông, mà còn tác động không nhỏ đến du lịch của vùng đất Cố đô. Các cơ quan chức năng cần sớm có ra những giải pháp phù hợp và kịp thời để giải quyết vấn đề còn tồn đọng này.

THẾ ANH