Tham gia tập trận, Philippines sẽ sử dụng các máy bay vừa mới mua và thuê lại từ nước ngoài - Ảnh: philstar.com |
Theo AFP, người phát ngôn của cuộc tập trận - đại úy Celeste Frank Sayson của Philippines nói ngoài lực lượng bộ binh, phía Mỹ sẽ triển khai 55 máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, Philippines sẽ sử dụng các máy bay vừa mới mua và thuê lại từ nước ngoài. Về lực lượng hải quân, Mỹ sẽ huy động bảy tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục và một tàu đổ bộ.
Nhật Bản dù chỉ góp mặt trong vai trò quan sát viên nhưng cũng gửi hai tàu khu trục và một tàu ngầm đến căn cứ Subic của Philippines.
Trang Inquirer của Philippines cho hay cuộc tập trận năm nay sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau, đáng chú ý có căn cứ không quân Clark, vịnh Subic và quần đảo Palawan - những điểm có vị trí chiến lược hướng ra Biển Đông.
Chính quyền Mỹ và Philippines phủ nhận mục tiêu của cuộc tập trận nhắm vào Bắc Kinh.
Đại sứ quán Mỹ tại Manila đã phát đi thông cáo báo chí nhấn mạnh cuộc tập trận chỉ nhắm đến các mục tiêu như hỗ trợ nhân đạo, tăng cường năng lực của lực lượng thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định cuộc tập trận năm nay dường như không còn bị bó hẹp trong quy mô chỉ đơn thuần là chống chủ nghĩa khủng bố như các năm trước.
Trả lời phỏng vấn của AFP ngày 2-4, giáo sư Rene de Castro thuộc Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) phân tích: “Cứ nhìn vào những điểm nổi bật nhất của Balikatan sẽ thấy - bệ phóng tên lửa di động, máy bay chiến đấu - đó là dấu hiệu cho thấy liên minh này đang chuẩn bị trường hợp phải bảo vệ lãnh thổ”.
Còn ông Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị Đại học De La Salle, cho rằng mục tiêu thật sự của cuộc tập trận nhằm “tăng cường khả năng tương tác giữa hai quốc gia đồng minh và gửi một thông điệp về sự sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong trường hợp cần thiết”.
Theo Tuoitre