Chi tiêu quân sự tăng 1% trong năm 2015. Ảnh: AP |
Trong cả năm 2015, chi tiêu quân sự thế giới tổng cộng đạt 1,67 ngàn tỷ USD, tăng 1% so với năm trước. Sự gia tăng này chủ yếu do chi tiêu ở Đông Âu, châu Á và Trung Đông tăng nhiều hơn, trong khi sự suy giảm trong chi tiêu ở phương Tây đã chững lại, SIPRI cho biết.
Tính đến nay, Mỹ vẫn ở vị trí hàng đầu - là quốc gia dành nhiều ngân sách nhất cho các lực lượng vũ trang, mặc dù ngân sách chi tiêu quân sự của Washington trong năm qua đạt 596 tỷ USD, giảm 2,4% so với năm trước, một sự suy giảm nhỏ hơn so với những năm gần đây.
Nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI – ông Sam Perlo-Freeman nói rằng, Hoa Kỳ hiện nay đang "tăng chi tiêu bổ sung cho các hoạt động dự phòng ở nước ngoài (OCO) cho cuộc chiến chống lại tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS)".
Nước chi tiêu lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc với mức gần 215 tỷ USD. Tiếp ngay sau đó, Ả Rập Saudi đã vượt qua Nga để giành vị trí thứ 3, với ngân sách 87,2 tỷ USD, trong khi Moscow dành ra 66,4 tỷ USD cho chi tiêu quân sự năm 2015.
Trong thời gian 10 năm từ 2006-2015, ngân sách quân sự Mỹ đa sụt giảm 4%, trong khi khoản chi tiêu này của Trung Quốc tăng đến 132%. Ả Rập Saudi và Nga cũng có sự gia tăng đáng kể trong ngân sách quân sự, với mức tăng 97% và 91% tương ứng.
Trong khi đó, Pháp – quốc gia có ngân sách lớn thứ 5 trong năm 2014, đã rơi xuống vị trí thứ 7, sau Anh và Ấn Độ.
Ngân sách chi tiêu quân sự tiếp tục giảm trên khắp Tây Âu, mặc dù sự sụt giảm này ít hơn trong những năm gần đây.
"Những lý do cho xu hướng thay đổi này là do chính sách của Nga, IS và của NATO", ông Perlo-Freeman nói, lưu ý rằng các thành viên Liên minh đã nhất trí duy trì chi tiêu ở mức 2 % tổng sản phẩm trong nước (GDP) cho đến năm 2024.
Ở châu Á, chi tiêu quân sự gia tăng ở Indonesia, Philippines, Nhật Bản và Việt Nam phản ánh những căng thẳng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, SIPRI cho biết.
Tố Quyên (Lược dịch từ AP & Newsunited)