Vụ kiện dân sự tranh chấp về nhà đất chưa đến hồi kết, do đó ông Trương Văn Quang (định cư ở nước Đức) mỗi lần về Việt Nam vẫn ở trong ngôi nhà tại đường Bà Triệu (TP. Huế) đang tranh chấp với bà Phan Thị Mừng (ông Quang là em ruột người chồng đã mất của bà Mừng). Khoảng 10 giờ 30 ngày 1/2/2013 ông Quang đem những hộp sơn dầu (dùng để quét tủ thờ) vứt ra ngoài sân. Bà Mừng ra nhặt những hộp sơn dầu đó vào. Giữa hai bên xảy ra cự cãi. Ông Quang chửi tục, chỉ vào mặt bà Mừng nên bà Mừng nói “đồ mất dạy”. Ông Quang liền xông đến tát vào mặt và xô bà Mừng ngã vào tường.

Trương Văn Vĩnh Phú (con trai bà Mừng) từ trong phòng chạy ra đỡ mẹ dậy, thì ông Quang lao đến dùng tay đánh vào người Phú. Phú giơ tay lên đỡ. Ông Quang lại dùng tay phải vặn tay trái của Phú nên Phú hất ông Quang ra. Ông Quang vẫn tiếp tục xông vào. Vì quá bức xúc nên Phú đã dùng tay đẩy vào mặt ông Quang. Ông Quang vẫn tiếp tục xông vào nên Phú dùng chân đạp vào người chú ruột khiến ông này bị ngã vào tường rồi ngã xuống nền nhà. Ông Quang đến bệnh viện điều trị từ ngày 2/2 đến 5/2 xuất viện điều trị ngoại trú, uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

Trong thời gian nằm viện, ông Quang viết đơn tố cáo Phú, gửi đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đề nghị cơ quan điều tra làm rõ vụ việc, xử lý cháu ruột theo pháp luật. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định thương tích đối với ông Quang. Theo đó, kết luận của Trung tâm Pháp y tỉnh là: Đa chạm chấn thương phần mềm đầu, mặt, tay, ngực không ảnh hưởng chức năng: 4%. Cẳng tay trái sưng nề tan hết không để lại dấu vết, vận động cẳng tay không giới hạn… Các cơ quan khác không phát hiện tổn thương. Ngày 27/2/2013, ông Quang đến Bệnh viện Đà Nẵng chụp cộng hưởng từ vai trái (theo giấy giới thiệu của Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế). Ngày 28/2/2013 ông Quang nhập viện tại Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế điều trị đến ngày 14/3/2013 thì ra viện, đồng thời có đơn yêu cầu giám định bổ sung đối với thương tích.

Tại bản giám định bổ sung, Trung tâm Pháp y tỉnh kết luận: Chấn thương bong gân vùng khớp vai trái, gây hạn chế cử động khớp vai 11%. Đa chạm chấn thương phần mềm đầu, mặt, tay, ngực không ảnh hưởng chức năng 4%. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe chung: 15%. Với tỉ lệ thương tích theo giám định bổ sung này, ông Quang “trở thành” bị hại và cháu ruột của ông bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”, phải ra trước vành móng ngựa. Ông Quang yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại số tiền lên đến gần 820 triệu đồng. Trong đó, chi phí viện phí, thuốc men gần 13 triệu đồng, còn lại là các chi phí khác.

Tại luận cứ bào chữa, phân tích về mặt khách quan, mặt chủ quan của tội phạm, hậu quả do bị cáo gây ra…, quan điểm của luật sư (bào chữa cho bị cáo Phú) cho rằng, hành vi của Phú có thể vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. “Tuy nhiên, đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” thì tỷ lệ thương tật của nạn nhân phải từ mức 31% trở lên. Do đó, trên tinh thần tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo tôi đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Phú không phạm tội”- Luật sư phát biểu.

Lời khai tại hồ sơ vụ án (thể hiện tại kết luận điều tra), ông Quang từng “ngăm”: “Bọn bây có giết thì giết tao cho chết. Tao còn sống thì bọn bây không yên”. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo, bị hại, nhân chứng chỉ trả lời những câu hỏi mà hội đồng xét xử, kiểm sát viên và luật sư đưa ra trong quá trình thẩm vấn. Hai bên không hề “tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại”, nhưng cảm giác phiên tòa vẫn rất “nóng”. Nhất là khi bị hại khăng khăng giữ nguyên yêu cầu về bồi thường (gần 820 triệu đồng), đại diện Viện kiểm sát phải phân tích, yêu cầu của bị hại cũng phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Huống hồ trong vụ án này, mối quan hệ giữa hai bên là chú và cháu ruột.

Hội đồng xét xử TAND tỉnh không chấp nhận đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo, tuyên bố Phú phạm tội “cố ý gây thương tích” phạt Phú 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Đồng thời, tòa tuyên buộc Phú phải bồi thường cho ông Quang hơn 21 triệu đồng về các khoản thuốc men viện phí, mất thu nhập... theo quy định của pháp luật.

Từ vụ án trên cho thấy, mâu thuẫn khi tranh chấp tài sản giữa người thân ruột thịt là một thứ ung nhọt nguy hiểm, chỉ có thể “chữa lành” bằng chính lòng bao dung của tình ruột thịt. Nếu không làm được điều đó, để “ung nhọt” vỡ ra, sẽ tác động xấu đến xã hội gấp nhiều lần.

QUỲNH ANH