Mô hình trồng lúa CLC ở HTX Nông nghiệp Đại Thành

Tăng năng suất

“Nói về cây lúa không nơi đâu ở huyện Phú Lộc sản xuất có hiệu quả như  HTX Nông nghiệp Đại Thành, xã Lộc An. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai xây dựng vùng lúa CLC gắn với cánh đồng mẫu lớn ở Phú Lộc”- một cán bộ địa phương thông tin với chúng tôi.

Khi hỏi về mô hình sản xuất lúa CLC, ông Hoàng Phi, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thành nhẹ nhàng, để bà con gắn bó sống được với cây lúa phải đổi mới tư duy, tập quán sản xuất cũ. Mô hình sản xuất lúa CLC được Ban Giám đốc HTX Đại Thành; tiếp cận từ năm 2013. Ban đầu là HTX chọn hộ, chọn vùng, tiến hành tập huấn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân đưa giống lúa CLC, như BT7, NA2, RG 3.3 vào gieo trồng. Mô hình triển khai làm thí điểm mỗi loại giống từ 1-2ha và nhân rộng cho các vụ tiếp theo. Đến thời điểm này, có 160 hộ ở HTX Nông nghiệp Đại Thành tham gia phát triển mô hình sản xuất lúa CLC với giống lúa RG 3.3, Thiên ưu 8, NA2, BT7... gần 95 ha.

Phát triển giao thông nội đồng tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất ở Lộc An

Ông Hoàng Văn Hùng, thôn Bắc Trung, trồng 6 sào giống CLC cho biết, thời gian trồng thí điểm đã nhận thấy nhiều điểm vượt trội của nó. Với giống lúa Thiên ưu 8, hay RG 3.3 thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh, năng suất đạt từ 65-70 tạ/ha; có thửa đạt trên 73 tạ/ha, tăng gần 10-13 tạ/ha so với giống lúa thường. Do vậy, vụ đông xuân này, anh tiếp tục tham gia 6 sào với giống NA2, RG 3.3. Thời điểm này, mô hình lúa CLC của gia đình mới 2 tháng tuổi,  lúa phát triển xanh chắc và không có dấu hiệu sâu rầy.

Ông Lê Văn Thiết, ở cùng thôn với ông Hùng cho hay, trồng lúa bây giờ phải đáp ứng xu thế phát triển xã hội. Muốn tăng hiệu quả kinh tế phải hướng đến trồng lúa CLC. Vì thế, khi mô hình sản xuất lúa CLC ở HTX Nông nghiệp Đại Thành ra đời, bà con ở đây hào hứng tham gia. Theo ông Thiết, qua khảo nghiệm mô hình trồng thí điểm, hiện nay các giống lúa như Thiên ưu 8, RG 3.3, NA2 đã “bén rễ” phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở đồng ruộng Lộc An. Từ mô hình sản xuất lúa CLC trong năm qua, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất khoảng từ 2-3 triệu/ha/vụ và sản phẩm bán ra được thị trường tin dùng”.

Hướng đến cánh đồng mẫu lớn

Hiện nay, Lộc An có khoảng 700 ha ruộng, thuộc 4 HTX Nông nghiệp: Đại Thành, Tiến Lực, Hải Hà, Châu Thành quản lý; trong đó HTX Nông nghiệp Đại Thành có 381ha. Từ nhiều năm nay, các đơn vị tích cực, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, như chú trọng đến công tác chăm bón, cải tạo đất, giống; đồng thời tập trung các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kênh mương, thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện để phục vụ nhu cầu sản xuất lúa cho người dân. Bình quân hàng năm, năng suất lúa ở Lộc An đạt từ 60-65 tạ/ha/vụ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp quy hoạch phát triển vùng lúa CLC gắn với xây dựng cánh đồng lớn.

Ông Hoàng Phi cho biết, hiện HTX Nông nghiệp Đại Thành chủ động làm “bà đỡ” cho xã viên tham gia xây dựng mô hình lúa CLC, như tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện làm đất, thủy lợi, hỗ trợ giống trả chậm... đồng thời ký kết với Công ty Giống cây trồng và Vật nuôi tỉnh bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ông Phi nói: “Phát triển vùng lúa CLC ở Lộc An, HTX Nông nghiệp Đại Thành là đơn vị chủ lực và sắp đến sẽ phát triển thêm 140 ha. Để đạt được mục tiêu, cán bộ lãnh đạo, người dân đồng tâm hiệp lực mới khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp ở địa phương theo hướng bền vững”.

Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phú Lộc khẳng định, việc xây dựng vùng lúa CLC hướng đến cánh đồng lớn ở xã Lộc An có nhiều ưu thế. Bởi, đồng ruộng ở đây đằm đều, ít bàu trũng sâu; hệ thống đê đập thủy lợi, giao thông nội đồng cơ bản ổn định; máy móc cơ giới hóa được đầu tư đáng kể; đội ngũ cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm nhiệt thành, năng động... So với nhiều địa phương ở Phú Lộc, hiện HTX Nông nghiệp Đại Thành là đơn vị chủ động triển khai xây dựng vùng lúa CLC có diện tích lớn, bước đầu mang lại hiệu quả về năng suất, chất lượng. Tuy nhiên khi xây dựng đạt cánh đồng mẫu lớn, với diện tích lớn, nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm, như tổ chức đầu tư sản xuất từ khi xuống giống đến thời điểm thu hoạch, việc liên doanh liên kết trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm...để khi được mùa bà con không lo rới giá.

Bài, ảnh: Minh Văn